Chiến dịch hè 2023
Chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 12
Banner giữa trang

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN Tháng 6/2019

Đăng lúc: Thứ sáu - 14/06/2019 16:04
Lời dặn dò trong Di chúc của Bác Hồ đối với thiếu niên, nhi đồng Trong muôn vàn tình thân yêu của Bác Hồ dành cho Nhân dân, có một tình yêu lớn dành cho thiếu niên, nhi đồng. Những tình cảm gần gũi thân thương, nồng ấm và những lời dạy mà sinh thời Người dành cho thiếu niên, nhi đồng đã trở thành tài sản tinh thần vô giá của toàn Đảng, toàn dân và của thế hệ trẻ nước ta.
 
CHIẾN DỊCH THANH NIÊN TÌNH NGUYỆN HÈ NĂM 2019
THANH NIÊN TÌNH NGUYỆN VÌ CỘNG ĐỒNG
 
Lời dặn dò trong Di chúc của Bác Hồ đối với thiếu niên, nhi đồng
Trong muôn vàn tình thân yêu của Bác Hồ dành cho Nhân dân, có một tình yêu lớn dành cho thiếu niên, nhi đồng. Những tình cảm gần gũi thân thương, nồng ấm và những lời dạy mà sinh thời Người dành cho thiếu niên, nhi đồng đã trở thành tài sản tinh thần vô giá của toàn Đảng, toàn dân và của thế hệ trẻ nước ta. 
Trước lúc ra đi vào cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc của mình, Bác đã hai lần nhắc đến nhi đồng, đoạn mở đầu, Bác viết: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta!...”. Đoạn kết thúc, Bác lại viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng…”   
          Trong cuộc đời cách mạng của Bác, thiếu niên, nhi đồng là đối tượng được Bác Hồ quan tâm đặc biệt: “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan/Chẳng may vận nước gian nan/Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng…” . Trẻ em như búp trên cành là quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là quan niệm của dân tộc ta về thiếu nhi, về việc chăm sóc thiếu nhi. Búp trên cành mơn mởn, tươi non, đẹp đẽ, lá cành xum xuê trong tương lai nhưng dễ bĩ gãy, dễ bị tổn thương nên phải nâng niu. Bác luôn dành tình thương yêu đặc biệt, động viên thế hệ măng non của đất nước, nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi, bác viết thư gửi các cháu: “Các cháu yêu quý! Ngày 1-6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới. Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô... Nhưng nước Việt Nam ta, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Cho nên, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến. Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng.“Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”.        
Trong mùa khai trường đầu tiên của nền giáo dục tự chủ năm 1945, Người đã gửi thư cho học sinh bày tỏ sự quan tâm sâu sắc, sự kỳ vọng lớn lao vào thế hệ tương lai:“Nước nhà mong chờ ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.        
Từ nhận thức sâu sắc rằng, tương lai của đất nước phụ thuộc vào một trong những nhân tố rất quan trọng - đó là chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, Bác từng căn dặn cha mẹ, các cấp, ngành, đoàn thể, các thầy cô giáo: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”, và “giáo dục trẻ em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”. Và Người cũng ân cần nói với thiếu niên, nhi đồng: “Các cháu phải chăm ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng, đối với thầy phải kính trọng, lễ phép, đối với bạn phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau”, “Giữ kỷ luật, chớ tự do phóng túng vì tự do phóng túng là không tốt”, “phải thật thà, dũng cảm”, “việc gì có ích cho kháng chiến, có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm. Tuổi các cháu còn nhỏ. Nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to”, “Mong các cháu mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập, tự do”…              
Từ ngày Bác đi xa, lớp trước tiếp lớp sau, lớp này qua lớp khác, các cháu thiếu nhi tiếp tục phấn đấu thực hiện 5 Điều Bác Hồ dạy, noi theo những tấm gương oanh liệt, anh hùng Kim Đồng, Vừ A Dính, Lê Văn Tám, Nguyễn Bá Ngọc…, hàng triệu các cháu trong phong trào nghìn việc tốt đã đạt danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ, xứng đáng với niềm tin yêu của Người. 50 năm thực hiện Di huấn của Người, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến bảo vệ các quyền trẻ em. Từ Hiến pháp, các Bộ luật đến các văn bản dưới luật đã tạo thành một hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em phù hợp với công ước quốc tế và truyền thống văn hoá của dân tộc. Đặc biệt, vấn đề về quyền trẻ em đã được hiến định từ Hiến pháp năm 1946 (Điều 14, 15 và hàm chứa trong một số điều khác) và trong tất cả các Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 (gồm cả lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2001), Hiến pháp năm 2013 tiếp tục đề cập, quan tâm đến quyền trẻ em và bảo vệ quyền trẻ em. Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, sẽ góp phần xây dựng và phát triển xã hội sau này. Vấn đề trẻ em được thể hiện tại Khoản 1, Điều 37 Hiến pháp như sau: Trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Tại khoản 2 điều 58 đã quy định: Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hoá gia đình.               
Nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát huy đầy đủ quyền của trẻ em, với cách tiếp cận mới, Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em năm 2016. Quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng Luật Trẻ em là bảo đảm hội nhập quốc tế, hài hòa các quyền trẻ em và nguyên tắc trong Công ước của Liên hiệp quốc và các điều ước quốc tế khác có liên quan. Kết luận Hội nghị lần thứ ba của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn khóa XI ngày 14-9-2018 về “Nâng cao vai trò của Đoàn trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2018-2022” nhận định: Hiện nay cả nước có khoảng 26 triệu trẻ em, trong đó có hơn 12 triệu đội viên, thiếu niên, nhi đồng. Thiếu nhi Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành chăm lo; ngày càng có điều kiện, môi trường sống tốt hơn trong sinh hoạt, học tập, rèn luyện, vui chơi giải trí và có sự phát triển tốt hơn về thể chất và tinh thần. Đặc biệt là sự rút ngắn về khoảng cách giữa các vùng miền trong cả nước; những tấm gương tích cực trong học tập, rèn luyện, là con ngoan, trò giỏi, có hiếu với ông bà, cha mẹ, hăng hái tham gia nhiều hoạt động xã hội, phù hợp với lứa tuổi của các cháu thiếu niên, nhi đồng trong cả nước; những tấm gương “nghèo vượt khó” của các cháu có hoàn cảnh khó khăn, nhưng đầy nghị lực và ý chí vươn lên ở vùng sâu, vùng xa, ở những nơi chịu những tổn thất nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra,... Nhận định trên cho thấy, chúng ta đang từng bước thực hiện tốt tư tưởng của Hồ Chí Minh về chăm sóc và bảo vệ thiếu niên, nhi đồng.           
Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, hơn bao giờ hết, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương, mỗi cấp bộ đoàn, mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên hãy dành sự quan tâm, trách nhiệm, lòng nhiệt huyết và yêu thương thiếu niên, nhi đồng thông qua những việc làm thiết thực. Luôn thấm nhuần lời dạy của Bác “Chăm sóc, giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ.."; "Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.
 
Trích: Tạp chí xây dựng Đảng

 
THEO DÒNG LỊCH SỬ
- Ngày 01/6/1950: Kỷ niệm Ngày Quốc tế thiếu nhi;
- Ngày 05/6/1972: Kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới;
- Ngày 05/6/1911: Kỷ niệm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước;
- Ngày 06/6/1941: Kỷ niệm Ngày Truyền thống Người cao tuổi Việt Nam;
- Ngày 11/6/1948: Kỷ niệm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc;
- Ngày 21/6/1925: Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam;
- Ngày 28/6/2001: Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam.


THỜI SỰ QUỐC TẾ 
Đại sứ Senegal khẳng định Việt Nam luôn có trách nhiệm và theo đuổi hòa bình

Thứ Hai, 03/06/2019, 17:41:58
Trước thềm cuộc bỏ phiếu bầu năm vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), trong đó có một vị trí cho nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương mà Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho nhóm này, phóng viên TTXVN tại LHQ đã phỏng vấn Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Senegal tại LHQ Cheikh Niang về kỳ vọng của các nước châu Phi đối với Việt Nam.
 
Đánh giá về những đóng góp của Việt Nam cho HĐBA nếu trúng cử trong đợt bầu cử sắp tới, Đại sứ Cheikh Niang nêu rõ Việt Nam có khá nhiều kinh nghiệm vì đã đảm nhiệm xuất sắc vị trí ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009. Theo ông, vị trí của Việt Nam trong khu vực hiện nay cũng cho thấy Việt Nam theo đuổi đường lối hòa bình và không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam đã được cả khu vực châu Á lựa chọn, ủng hộ, để trở thành ứng cử viên duy nhất ra ứng cử vào HĐBA lần này. Việt Nam cũng được công nhận là nước có vai trò quan trọng trong khu vực, đôi khi trong khu vực cũng có căng thẳng, xung đột, bất đồng về một số vấn đề, nhưng Việt Nam vẫn luôn tỏ ra là một nước có trách nhiệm và không hiếu chiến. Ông Cheikh Niang cho biết đã là Đại sứ Senegal ở Việt Nam trong bốn năm nên có điều kiện theo dõi tình hình ở khu vực đó và quan sát cách Chính phủ Việt Nam phản ứng với tình hình trong khu vực.
Đại sứ Senegal cũng nhấn mạnh dù có sẵn kinh nghiệm, nếu trúng cử và đảm nhiệm vị trí ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ tới, Việt Nam vẫn còn rất nhiều thử thách. Thử thách đầu tiên là cần phải xác định được ưu tiên của mình là gì khi vào HĐBA, phải có được chương trình nghị sự phù hợp. Ông nêu rõ hiện nay vấn đề nổi bật ở các cuộc thảo luận của HĐBA là châu Phi, có tới 80% các vấn đề thảo luận ở HĐBA liên quan đến châu Phi, đồng thời hy vọng Việt Nam sẽ hiểu được mong muốn của các nước châu Phi để có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực này. Bên cạnh đó, cần lắng nghe và tư vấn thêm ý kiến của các nước, xem họ e sợ điều gì, lo ngại điều gì, để từ đó tìm được tiếng nói chung.
Chia sẻ bí quyết giúp Senegal được bầu vào HĐBA nhiệm kỳ 2016-2017 với số phiếu ủng hộ rất cao, 187 phiếu, Đại sứ Cheikh Niang cho biết Senegal có chiến dịch truyền thông để vận động và chương trình hành động rất rõ ràng, tập trung vào hai vấn đề chính là an ninh và hòa bình. Theo ông, nước ủy viên không thường trực HĐBA cần đứng ở vị trí trung gian hòa giải các nước, để nước nào cũng nhìn thấy được góc cạnh tích cực của một vấn đề. Điều quan trọng là cố gắng tìm xem cách nào có thể làm việc được với nhau và trao đổi quan điểm để tìm được điểm chung. Ngoại giao chính là việc tìm ra điểm chung, cố gắng tạo được không gian để các nước có thể làm việc được với nhau, tạo ra các chương trình để hợp tác được với nhau.
 
Nguồn: Báo điện tử Nhân dân
 

 

Những chính sách có hiệu lực trong tháng 6

Quy định mới về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công; giảm số lượng công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; chế độ, chính sách đối với vận động viên thể thao thành tích cao; thủ tục biên phòng điện tử thực hiện 24/24 giờ... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2019.
Quy định mới về đấu thầu cung cấp dịch vụ công
Nghị định 32/2019/NĐ-CP ban hành ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sảm phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên có hiệu lực từ 1/6/2019.
Quy định khai thác hạ tầng giao thông đường bộ
Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ban hành ngày 23/4/2019 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có hiệu lực từ 17/6/2019. Theo đó, mọi tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đều được Nhà nước giao cho đối tượng quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. Quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước; tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Giảm số lượng công chức cấp xã
Có hiệu lực từ 25/06/2019, Nghị định 34/2019/NĐ-CP ban hành ngày 24/04/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/1/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã. Cụ thể, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn: Cấp xã loại 1 tối đa 23 người (giảm 2 người so với quy định cũ); cấp xã loại 2 tối đa 21 người (giảm 2 người so với quy định cũ); cấp xã loại 3 đối đa 19 người (giảm 2 người so với quy định cũ).
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Cụ thể, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn: Loại 1 tối đa 14 người (giảm 8 người so với quy định cũ); loại 2 tối đa 12 người (giảm 8 người so với quy định cũ); loại 3 tối đa 10 người (giảm 9 người so với quy định cũ).
Vi phạm hành chính lâm nghiệp phạt đến 1 tỷ đồng
Theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP ban hành ngày 25/04/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp có hiệu lực từ 10/06/2019, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với cá nhân là 500 triệu đồng. Tổ chức vi phạm áp dụng phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền với cá nhân có cùng hành vi và mức độ vi phạm; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với tổ chức là 1 tỷ đồng.
Chế độ cho vận động viên thể thao thành tích cao
Nghị định 36/2019/NĐ-CP ban hành ngày 29/04/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao có hiệu lực thi hành từ ngày 14/06/2019, trong đó quy định chế độ, chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao.
Quy định nhập khẩu máy móc cũ
Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2019. Theo đó, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải tuân thủ quy định của pháp luật về nhập khẩu hàng hóa. Không cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng trong trường hợp: các nước xuất khẩu đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường, không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Chỉ cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Thủ tục biên phòng điện tử thực hiện 24/24 giờ
Quyết định số 15/2019/QĐ-TTg về việc thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý có hiệu lực thi hành từ 1/6/2019.
Quyết định nêu rõ, thủ tục biên phòng điện tử cửa khẩu biên giới đất liền được thực hiện 24/24 giờ hàng ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Người làm thủ tục khai báo hồ sơ biên phòng điện tử và nhận xác nhận hoàn thành khai báo thủ tục biên phòng điện tử cửa khẩu biên giới đất liền bằng tài khoản đã được cấp tại bất kỳ nơi nào có thể truy cập Internet. Biên phòng cửa khẩu biên giới đất liền thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại Nhà kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
Khoán kinh phí sử dụng xe ôtô công
Thông tư 24/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô có hiệu lực thi hành từ ngày 6/6/2019.
Bán cổ phần lần đầu theo phương thức dựng sổ
Thông tư 21/2019/TT-BTC hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức dựng sổ có có hiệu lực thi hành từ 3/6/2019. Theo Thông tư, bán cổ phần theo phương thức dựng sổ là hình thức bán cổ phần của doanh nghiệp công khai cho các đối tượng có sự cạnh tranh về giá, trên cơ sở tham khảo nhu cầu của thị trường. Việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần theo phương thức dựng sổ phải đảm bảo theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch, bảo toàn vốn, tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Theo Báo điện tử Chính phủ Việt Nam
 
 

Tác giả bài viết: Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo Trung ương
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin cũ hơn

 

Văn bản mới

 Số: 27-HD/ĐTN
Tên: (Hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình rèn luyện đoàn viên giai đoạn 2018 - 2022)

Ngày BH: (01/10/2018)

 Số: 26-HD/ĐTN
Tên: (Hướng dẫn Đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú giai đoạn 2018 - 2022)

Ngày BH: (01/10/2018)

 Số 70 - CV/ĐTN
Tên: (V/v tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên tham gia Hệ tri thức Việt số hóa)

Ngày BH: (08/08/2018)

 Số 18 - KH/ĐTN
Tên: (Kế hoạch Tổ chức các hoạt động “Tuổi trẻ tri ân các anh hùng liệt sỹ” nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2018))

Ngày BH: (03/07/2018)

 Số 56-CV/ĐTN
Tên: (V/v vận động ĐVTN tham gia công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về các biện pháp phòng chống bệnh dại)

Ngày BH: (09/07/2018)

 Hướng dẫn số 17-HD/ĐTN Xây dựng Đoàn cơ sở "3 chủ động" giai đoạn 2018-2022
Tên: (Hướng dẫn xây dựng đòn cơ sở "3 chủ động", giai đoạn 2018-2022)

Ngày BH: (02/07/2018)

 Công văn số 56-CV/ĐTN v/v tham gia Câu lạc bộ "Tuổi trẻ với pháp luật"
Tên: (V/v tham gia Câu lạc bộ "Tuổi trẻ với pháp luật")

Ngày BH: (02/07/2018)

 49 - CV/ĐTN
Tên: (Triển khai cuộc vận động “Mỗi thanh niên một ý tưởng sáng tạo” trong thanh niên Hòa Bình năm 2018.)

Ngày BH: (22/06/2018)

 KH số 08 tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh
Tên: (KH tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh)

Ngày BH: (12/03/2018)

 Thể lệ cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hòa Bình" 2018
Tên: (Thể lệ cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hòa Bình" 2018)

Ngày BH: (29/03/2018)

Music


  • Đang truy cập: 363
  • Hôm nay: 68491
  • Tháng hiện tại: 2005551
  • Tổng lượt truy cập: 22072963

Liên kết Website