Chiến dịch hè 2023
Chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 12
Banner giữa trang

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN Số 3 – Tháng 3/2019

Đăng lúc: Thứ sáu - 15/03/2019 15:26
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên - những người kế cận của Đảng, thể hiện tầm nhìn chiến lược với lực lượng thừa kế xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình cảm, sự quan tâm, chăm lo, dìu dắt của Người dành cho thanh niên luôn là nguồn động lực, khích lệ ý chí tinh thần nghị lực vươn lên chiếm lĩnh những tầm cao mới của các thế hệ thanh niên trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước hiện nay.
Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng của thanh niên - lực lượng kế cận của Đảng đối với sự nghiệp của Đảng, tương lai, vận mệnh của dân tộc, tiền đồ của Tổ quốc. Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến (tháng 1 năm 1946), Người viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”(1). Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn dành tình cảm đặc biệt cho thanh niên, quan tâm bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện thế hệ cách mạng cho đời sau.  
Trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam (01-9-1961) chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thời đại này là thời đại vẻ vang của thanh niên. Mà thanh niên phải là những đội xung phong trên các mặt trận chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Thanh niên đã thực hiện những điều mơ ước của loài người từ bao thế kỷ”(2). Người khẳng định: Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên.
 
Bác khen ngợi, biểu dương, kỳ vọng vào thanh niên, trong bản Di chúc lịch sử, sau khi nói về Đảng, Bác nhận định “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”(3). Đồng thời, Người thẳng thắn phê bình, nhắc nhở số thanh niên không biết quý trọng công lao của các thế hệ đi trước và yêu cầu cần tích cực giáo dục, dìu dắt thanh niên: Có số thanh niên không biết sự gian nan, cực khổ cũ. Các đồng chí già phải kể lại cho họ nghe. Đó là một cách giáo dục thanh niên. Cố gắng dìu dắt thanh niên; không nên công thần, không nên tiêu cực. Người chỉ rõ: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết và nhắc nhở: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng vừa “chuyên. Cần “giáo dục thanh niên ta rèn luyện một chí khí kiên quyết quật cường, một tâm lý quả cảm xung phong, tin tưởng vào tương lai của Tổ quốc, vào lực lượng của nhân dân, hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung của dân tộc”(4).
 
Người yêu cầu thanh niên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ về mọi mặt “để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của thanh niên. Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà, phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”(5). Trong bài nói chuyện với nam nữ thanh niên học sinh các trường trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Trưng Vương (Hà Nội) Bác đã nói: “Ngày nay, ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò người chủ, thì phải học tập”(6). Bác yêu cầu thanh niên cần phải mạnh dạn chuyển hướng trong việc học tập, luôn tự cải tạo để tiến bộ mãi, tích cực tự học tập, tự bồi dưỡng, tự rèn luyện mình thành những người có đức, có tài để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Người chỉ rõ: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người" (7). 
 
Để thực sự là thế hệ tương lai của nước nhà Bác yêu cầu: Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng. Cần phải trung thành, thật thà, chính trực. Những điều nên chống: Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang.
 
Người cho rằng giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh của xã hội. Những kiến thức được trang bị ở trường, ở lớp, thanh niên phải vận dụng ngay vào thực tiễn “Khi ở nhà, phải thương yêu cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ về công việc, giúp đỡ về tinh thần (học được điều gì về tình hình trong nước và thế giới thì nói lại cho cha mẹ nghe). Ở trường thì phải đoàn kết, giúp đỡ anh chị em, thi đua học tập. Phải đoàn kết giữa thầy và trò, làm cho trường mình luôn luôn tiến bộ. Ở xã hội: các cháu có thể giúp được nhiều việc có ích. Thí dụ: tuyên truyền vệ sinh, giúp đỡ các em nhi đồng, xung phong dạy bình dân học vụ...”(8).
 
Người yêu cầu phải kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục thanh niên. Tại buổi khai mạc Trường Đại học nhân dân Việt Nam (19-01-1955), Người chỉ rõ: “Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên. Thanh niên phải chuyên tâm học hành và công tác, nhưng cũng cần có vui chơi. Vui chơi lành mạnh là một bộ phận trong sự sinh hoạt của thanh niên,…phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn, sửa chữa”(9).
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên - những người kế cận của Đảng, thể hiện tầm nhìn chiến lược với lực lượng thừa kế xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình cảm, sự quan tâm, chăm lo, dìu dắt của Người dành cho thanh niên luôn là nguồn động lực, khích lệ ý chí tinh thần nghị lực vươn lên chiếm lĩnh những tầm cao mới của các thế hệ thanh niên trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước  hiện nay.
Hoàng Việt Hùng, Nguyễn Xuân Quốc
Trường Đại học Chính trị
---------------------------------------------------------------
(1, 2, 3, 4,5,6,7,8,9): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN. 2000, t.4, tr .194; t.13, tr.188; t.15, tr. 622; t.9, tr.135; t.10, tr.216; t.9, tr.178; t.11, tr.399; t.9, tr.179; t.9, tr.266.
(Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng)
 
 
  THEO DÒNG LỊCH SỬ
  
 


Những ngày đáng nhớ trong tháng 3
 
- 03/3/1959: Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng.
- 03/3/1989: Ngày Biên phòng toàn dân.
- 08/3/40: Ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40- 43 sau công nguyên).
- 08/3/1910: Ngày Quốc tế Phụ nữ.
- 20/3/2013: Ngày Quốc tế Hạnh phúc.
- 23/3/1975: Ngày giải phóng thị xã Gia Nghĩa.
- 26/3/1931: Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
- 27/3/1946: Ngày Thể thao Việt Nam.
 
LỊCH SỬ NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8 – 3
 
Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản phát triển tột bậc, nhất là ở nước Mỹ. Nền kỹ nghệ phát triển, thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Bọn chủ tư bản lợi dụng sức lực của phụ nữ, trẻ em, trả lương rẻ mạt làm cho đời sống của phụ nữ và trẻ em cực khổ, điêu đứng. Căm phẫn trước sự áp bức tàn bạo đó, ngày 8/3/1899, tại hai thành phố Chicago và New-York (của nước Mỹ) đã nổ ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nữ công nhân ngành dệt may, đòi tăng lương, giảm giờ làm. Mặc dù bị thẳng tay đàn áp, bắt bớ, đuổi ra khỏi nhà máy nhưng chị em vẫn đoàn kết, bền bỉ đấu tranh, buộc bọn chủ tư sản phải nhượng bộ. Thắng lợi đó đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của phụ nữ lao động Mỹ. Ðến tháng 2 năm 1909 lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên nước Mỹ đã tổ chức "Ngày phụ nữ" mít tinh, biểu tình rầm rộ đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Tại New-York đã có 3000 chị dự cuộc họp phản đối chính phủ công nhận quyền bầu cử của phụ nữ.
          Những cuộc đấu tranh đầu tiên đó của nữ công nhân Mỹ đã có tiếng vang lớn, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới. Trong phong trào đấu tranh lúc bấy giờ, đã xuất hiện 2 nữ chiến sĩ cách mạng lỗi lạc là bà Cơ-la-re-Zet-Kin (người Ðức) và bà Rô-da-luya-Xăm-Bua (người Ba Lan). Hai bà đã phối hợp với bà Cơ-rúp-xcai-a (vợ của Lê-nin) vận động thành lập Ban Thư ký quốc tế phụ nữ để lãnh đạo phong trào.
          Trước sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng của phong trào phụ nữ trên thế giới. Ngày 26 và 27 tháng 8 năm 1910, Đại hội lần thứ 2 của những người phụ nữ thế giới đã được triệu tập ở Cô-pen-ha-gơ (thủ đô Ðan Mạch), về dự có 100 nữ đại biểu của 17 nước, đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế phụ nữ với mục đích đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.  “Ngày làm việc 8 giờ. Công việc ngang nhau, tiền lương ngang nhau. Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”. Từ đó đến nay, ngày 8/3 trở thành ngày hội của phụ nữ thế giới, đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng, thực hiện quyền nam nữ bình đẳng và cũng từ đó, phụ nữ tiến bộ khắp năm Châu tổ chức ngày 8/3 với những nội dung và hình thức phong phú.
          Nội dung ngày quốc tế phụ nữ 8/3 không chỉ dừng lại ở quyền bình đẳng mà được mở rộng thêm khái niệm mới "phát triển", "Giới". Vấn đề phụ nữ đã được đông đảo các quốc gia trên thế giới nhìn nhận và đánh giá một các đầy đủ trên những khía cạnh khác nhau thông qua một loạt các hội nghị thế giới. Từ thập niên 70 đến nay, đã có 4 hội nghị thế giới về phụ nữ:
- Hội nghị lần thứ nhất tổ chức tại Mêhicô năm 1975, mở đầu thập kỷ phụ nữ.
- Hội nghị lần thứ hai tổ chức tại Côpenhagơ (Ðan Mạch) năm 1980.
- Hội nghị lần thứ ba tổ chức tại Nairôbi (Kenya) năm 1985. Tại hội nghị này "Chiến lược nhìn về phía trước vì sự tiến bộ của phụ nữ" đã được thông qua.
- Hội nghị lần thứ tư tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1995.
          Các hội nghị thế giới về phụ nữ do Liên hiệp quốc đứng ra tổ chức là những sự kiện Quốc tế to lớn đối với đời sống chính trị của toàn thế giới đặc biệt đối với phụ nữ. Vì lẽ đó, vấn đề giải phóng phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ là một vấn đề toàn cầu.
          Mục đích của Hội nghị Bắc Kinh là nhằm kiểm lại việc thực hiện "Chiến lược nhìn về phía trước vì sự tiến bộ của phụ nữ" đã được đề ra tại hội nghị Narôbi và công ước liên hiệp quốc "Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ" (Công ước CEDAW) đồng thời thông qua "Cương lĩnh hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ toàn cầu đến năm 2000".
          "Tuyên bố Bắc Kinh" và "Cương lĩnh hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ toàn cầu đến năm 2000" là hai văn kiện quan trọng nhất của hội nghị Bắc Kinh. Hai văn kiện này một mặt phác họa những trở ngại trên con đường phấn đấu cho sự bình đẳng của nữ giới bên cạnh nam giới; Mặt khác khẳng định những cam kết và sự quyết tâm của các chính phủ, các tổ chức quốc tế bằng mọi biện pháp nhằm tới mục tiêu Bình đẳng - Phát triển - Hòa bình vì sự tiến bộ của phụ nữ.
          Thực hiện cam kết đó, ngày 4 tháng 10 năm 1997, chính phủ nước ta đã có quyết định số 822/TTG về việc phê duyệt kế hoạch hành động Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, ban hành 11 mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2000 nhằm cam kết trước thế giới Hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam thực hiện mục tiêu "Hành động vì bình đẳng, phát triển và hòa bình" của hội nghị Bắc Kinh.
          Ở nước ta, ngày 8/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, 2 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam một phần cũng có cội nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó.
                                                     (Nguồn: Trang điện tử Hội LHPN Việt Nam)
 
LỊCH SỬ RA ĐỜI CỦA ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
Mùa xuân năm 1931, từ ngày 20 đến ngày 26/3, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2, Trung ương Đảng đã giành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên và đi đến những quyết định có ý nghĩa đặc biệt, như các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương phải cử ngay các ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn. Trước sự phát triển lớn mạnh của Đoàn trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, ở nước ta xuất hiện nhiều tổ chức Đoàn cơ sở với khoảng 1.500 đoàn viên và một số địa phương đã hình thành tổ chức Đoàn từ xã, huyện đến cơ sở.
Sự phát triển lớn mạnh của Đoàn đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh niên nước ta. Đó là sự vận động khách quan phù hợp với cách mạng nước ta; đồng thời, phản ánh công lao trời biển của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng kính yêu - Người đã sáng lập và rèn luyện tổ chức Đoàn. Được Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ cho phép, theo đề nghị của Trung ương Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, Đại hội toàn quốc lần thứ 3 họp từ ngày 22 - 25/3/1961 đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 (một ngày trong thời gian cuối của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2, dành để bàn bạc và quyết định những vấn đề rất quan trọng đối với công tác thanh niên) làm ngày thành lập Đoàn hàng năm. Ngày 26/3 trở thành ngày vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quang vinh.
  Từ ngày 26/3/1931 đến nay, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, Đoàn đã đổi tên nhiều lần:
- Từ 1931 - 1936: Đoàn TNCS Việt Nam, Đoàn TNCS Đông Dương
- Từ 1937 - 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương
- Từ 11/1939 - 1941: Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương
- Từ 5/1941 - 1956: Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam
- Từ 25/10/1956 - 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam
- Từ 2/1970 - 11/1976: Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh
- Từ 12/1976 đến nay: Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
Những thế hệ thanh niên kế tiếp nhau đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội đã liên tiếp lập nên những chiến công xuất sắc và trưởng thành vượt bậc.
LỊCH SỬ TÊN GỌI CỦA ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
          Mỗi chặng đường lịch sử của dân tộc, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có những hình thức đấu tranh và những nhiệm vụ đặt lên hàng đầu khác nhau. Với mỗi giai đoạn, tên gọi của Đoàn đã được thay đổi:
1. Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương (1936 - 1939)
          Tháng 5/1935, Mặt trận Nhân dân Pháp được thành lập và sau đó giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 6/1936. Chính phủ phái tả lên cầm quyền ở Pháp. Căn cứ diễn biến tình hình thế giới và trong nước, tháng 7/1936, Hội nghị T.Ư Đảng đã định ra đường lối, phương pháp tổ chức và đấu tranh cách mạng trong thời kỳ mới.
          Nhiệm vụ của Đảng và nhân dân ta lúc này là tập trung mũi nhọn đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa và tay sai, đòi các quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống. Vì vậy, Đảng chủ trương lập Mặt trận Nhân dân Phản đế sau đổi thành mặt trận Thống nhất Dân chủ. Hội nghị BCH T.Ư Đảng họp tháng 7/1936 đã ra những quyết định quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động TN. Theo đó, trong thời kỳ cách mạng từ giữa năm 1936 đến mùa thu năm 1939, Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương mang tên Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương phù hợp với nhiệm vụ chính trị qua các nghị quyết của Đảng như trên đã nêu. Đoàn Thanh niên Dân chủ hoạt động công khai, có cơ quan báo chí riêng, đó là các tờ “Bạn dân”, “Thế giới”, “Mới” phát hành ở cả ba miền đất nước. Đoàn đã xây dựng đội ngũ của mình gồm hàng vạn đoàn viên, đấu tranh kiên cường dưới ngọn cờ của Đảng, tiếp nối truyền thống vẻ vang của Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương (1931 - 1935).
          Ngoài việc phát hành báo, tổ chức Đoàn còn lập các Hội đọc sách, Hội văn nghệ, Hội thể thao, đặc biệt là hình thành các nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Nhiều tác phẩm chính trị, văn học của C.Mác. F.Angghen, V.I.Lênin, Goocki… như: “Tuyên ngôn Đảng cộng sản”, “Tư bản”, “Nhà nước là gì?”, “Người mẹ”… cũng như các cuốn sách do các chiến sĩ cộng sản Việt Nam viết như: “Vấn đề dân cầy” của Qua Ninh và Vân Đình, “Mác xít phổ thông” của Hải Triều và Thơ Tố Hữu được đông đảo đoàn viên, thanh niên hân hoan đón đọc.
          Được sự quan tâm của các Xứ ủy Đảng, phong trào TN và tổ chức Đoàn được củng cố, phát triển sâu rộng, có hệ thống từ cơ sở lên đến tỉnh, thành và xứ.
Tuy nhiên, đến tháng 9/1939, đại chiến thế giới lần thứ 2 bùng nổ. Thực dân Pháp thẳng tay thi hành chính sách đàn áp, khủng bố phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân và TN ta. Tổ chức Đoàn phải trở lại hoạt động bí mật.
2. Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương (1939 - 1941)
          Tháng 11/1939, T.Ư Đảng họp Hội nghị lần thứ 6 tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định). NQ Hội nghị nhấn mạnh giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của CMGP dân tộc, là nhiệm vụ hàng đầu của CM Đông Dương. Hội nghị chủ trương lập Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các giai cấp và dân tộc ở Đông Dương để đánh đổ đế quốc Pháp và tay sai của chúng.
          Theo chủ trương của Đảng, Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương mang tên mới là Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương tiếp nối sự nghiệp vẻ vang của các tổ chức TNCS và TNDC trước đây. Đoàn đã xây dựng được cơ sở ở nông thôn, trong nhà máy và các trường học. Trong tình hình mới, tổ chức Đoàn hoạt động bí mật và được tổ chức chặt chẽ. Những ĐVTN Dân chủ được thử thách, lựa chọn và chuyển thành ĐVTN Phản đế, các hội viên TN trong các tổ chức TN phổ thông được giao những công tác thích hợp để thử thách bồi dưỡng.
          Tháng 9/1940, Phát xít Nhật xâm lược Đông Dương. Từ đây Nhân dân Việt Nam một cổ hai tròng, bị hai kẻ thù là phát xít Nhật và thực dân Pháp cùng thống trị. Nhưng Nhân dân Việt Nam và thế hệ thanh niên nước ta thời kỳ này không chịu khuất phục: Tháng 9/1940, khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra; tháng 11/1940, khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ với sự xuất hiện lần đầu tiên lá Cờ đỏ Sao Vàng; tháng 1/1941, nổ ra cuộc binh biến ở đồn Chợ Rạng và đồn Đô Lương.
          Các tổ chức Đoàn TN Dân chủ sau đó là Đoàn Thanh niên Phản đế đã vận động thanh niên đi đầu trong các cuộc đấu tranh và khởi nghĩa vũ trang từng phần, báo hiệu một thời kỳ mới: chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
3. Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam (1941 - 1956)
          Tháng 11/1940, Hội nghị TƯ Đảng lần thứ 7 họp tại Đình Bảng (Bắc Ninh) trong đó có phần nói về: “Vấn đề tổ chức các đoàn thể quần chúng”. Nghị quyết hội nghị ghi: “Vì chính sách của Đảng ta hiện tại là chính sách cứu quốc cho nên mục đích các hội quần chúng cũng xoay về việc cứu quốc là cốt yếu…… Việt Nam thanh niên Cứu quốc từ nay là đoàn thể của tất thảy thanh niên từ 18 đến 22 tuổi muốn tranh đấu đánh Pháp, đuổi Nhật”.
          Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước để cùng Ban chấp hành TW Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Đây là sự kiện hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển của cách mạng nước ta…
          Tháng 5/1941, Hội nghị lần thứ 8 của TƯ Đảng họp tại Pắc Bó (Cao Bằng) do Nguyễn Ái Quốc, đại diện của Quốc tế cộng sản triệu tập và chủ trì. Hội nghị đã nêu một quyết tâm sắt đá: “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp trâu ngựa, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
          Để tập hợp động viên các tầng lớp nhân dân đứng lên đánh đuổi phát xít Pháp - Nhật, Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam Độc lập đồng minh (Gọi tắt là Việt Minh) và các Hội cứu quốc, trong đó có: Đoàn Thanh niên Cứu quốc - Việt Nam - một tổ chức của những thanh niên yêu nước tiếp nối sự nghiệp của các tổ chức thanh niên do Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và lãnh đạo trước đó.
          Hội nghị TƯ Đảng lần thứ 8 có ý nghĩa lịch sử to lớn. Hội nghị đã hoàn thành việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược trong thời kỳ mới. Hội nghị đã nêu rõ vai trò, trách nhiệm của Đoàn TN Cứu quốc trong cao trào đấu tranh của giải phóng dân tộc. Trong suốt chặng đường dài từ 1941 – 1956, Đoàn TNCQ Việt Nam đã đóng góp to lớn, kể cả hy sinh xương máu, cùng dân tộc vùng dậy trong Cách mạng Tháng Tám, lập nên Nhà nước Dân chủ, cộng hòa - Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Tháng 2/1950, Đại hội Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam được triệu tập tại căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc. Đây là Đại hội đại biểu toàn quốc đầu tiên của Đoàn, gồm trên 400 đại biểu của ba miền đất nước. Sau đó, Đoàn đã vận động đoàn viên, TN đi tiếp chặng đường hơn 9 năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh góp phần xứng đáng làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu, giải phóng hoàn toàn miền Bắc (7/1954), bắt tay xây dựng hậu phương lớn XHCN ở miền Bắc, chi viện cho cách mạng giải phóng miền Nam.
4. Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (1956 - 1970)
Tháng 7/1954, hòa bình đợc lập lại trên miền Bắc, căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ mới, Bộ Chính trị T.Ư Đảng trong phiên họp tháng 9/1954 đã chủ trương đổi tên Đoàn TNCQ Việt Nam thành Đoàn TNLĐ Việt Nam và xây dựng Đoàn TNLĐ Việt Nam thành một tổ chức thực sự có tác dụng là lực lợng dự trữ và cánh tay của Đảng.
Quyết nghị có đoạn viết: “Đảng ta là Đảng Lao động Việt Nam. Việc Đoàn TNCQ Việt Nam đổi tên thành Đoàn TNLĐ Việt Nam sẽ làm cho thanh niên thêm phấn khởi, thêm gắn bó với Đảng và do đó càng quyết tâm phấn đấu đến cùng dới ngọn cờ của Đảng”.
Trong “Quyết nghị về đổi tên Đoàn TNCQ Việt Nam thành Đoàn TNLĐ Việt Nam và kế hoạch xây dựng Đoàn TNLĐ Việt Nam” (Ban Bí th T.Ư - ngày 19/10/1955) đã nêu rõ tính chất, nhiệm vụ, vấn đề tổ chức và kế hoạch xây dựng Đoàn TNLĐ Việt Nam.
Về tính chất của Đoàn TNLĐ Việt Nam, Quyết nghị nêu: “Đoàn TNLĐ Việt Nam là một tổ chức quần chúng tiên tiến của TN Việt Nam, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Đoàn TNLĐ Việt Nam là trường học của chủ nghĩa Mác-Lênin của thanh niên, là nơi bồi dỡng lực lợng dự trữ của Đảng, là cánh tay thực hiện mọi chính sách của Đảng”. Quyết nghị của Đảng đã vạch rõ nhiệm vụ của Đoàn trong thời kỳ mới và đề ra kế hoạch xây dựng Đoàn là Đảm bảo tính chất tiên tiến của Đoàn… Không kết nạp ồ ạt và tập thể. Nơi nào chưa có đủ điều kiện đổi tên Đoàn thì chưa đổi.
1. Làm cho ĐVTN có một nhận thức đúng đắn về Đoàn TNLĐ Việt Nam. Việc kết nạp đoàn viên hoặc đổi tên Đoàn phải trên cơ sở tự nguyện, tự giác của thanh niên.
2. Kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện những nhiệm vụ công tác chính trớc mắt do Đảng đề ra… Việc xây dựng Đoàn TNLĐ Việt Nam cần làm một cách có lãnh đạo và có kế hoạch cụ thể cho từng vùng…”.
Quyết nghị nêu kết luận: “Việc đổi tên Đoàn TNCQ Việt Nam thành Đoàn TNLĐ Việt Nam là một việc rất quan trọng có ảnh hởng đến việc xây dựng một phong trào thanh niên lớn mạnh trong toàn quốc, đến việc phát triển cơ sở Đảng trong quần chúng lao động và việc hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng hiện nay. Các cấp ủy Đảng cần nắm vững đờng lối vận động thanh niên của Đảng, trực tiếp lãnh đạo thực hiện nghị quyết này”.
5. Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh (1970 - 1976)
          Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và Nhân dân Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người sáng lập rèn luyện Đoàn ta qua đời. Toàn thể cán bộ, ĐVTN và đội viên thiếu niên, nhi đồng nước ta vĩnh biệt Người với nỗi xót thương vô hạn. Bác Hồ và Đảng đã coi sự trưởng thành của lớp thanh niên nước ta là một trong những thành quả vĩ đại của cách mạng, có quan hệ trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay và mai sau.
          Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác, đáp ứng nguyện vọng của thế hệ trẻ và theo đề nghị của Đoàn TNLĐ Việt Nam, nhân dịp kỉ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/1970), BCH T.Ư Đảng đã ra Nghị quyết cho Đoàn Thanh niên và đội thiếu niên, Đội Nhi đồng được mang tên Bác.
          Nghị quyết nêu rõ: “… Thể theo nguyện vọng của thế hệ trẻ nước ta và đề nghị của Đoàn TNLĐ Việt Nam”. BCH T.Ư Đảng Lao động Việt Nam Quyết định:
          - Đoàn TNLĐ Việt Nam nay là Đoàn TNLĐ Hồ Chí Minh
          - Đội TNTP Việt Nam nay là Đội TNTP Hồ Chí Minh
          - Đội Nhi đồng Việt Nam nay là Đội Nhi đồng Hồ Chí Minh
          Tổ chức Đoàn và tổ chức đội được mang tên Bác là vinh dự lớn lao, đồng thời là trách nhiệm nặng nề trước Tổ quốc và nhân dân. Đoàn ta được mang tên Bác Hồ càng làm rõ mục đích và tính chất của Đoàn là đội tiên phong chiến đấu của TN, đi đầu phấn đấu cho lý tưởng cách mạng cao cả của Đảng và Bác Hồ là độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
6. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (1976 đến nay)
          Tháng 4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
          Ngày 26/3/1976, Lễ kỷ niệm lần thứ 45 ngày thành lập Đoàn đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Tại Lễ kỷ niệm này, tổ chức Đoàn trong cả nước đã thống nhất mang tên chung là Đoàn Thanh Niên Lao động Hồ Chí Minh.
          Đại hội lần thứ IV của Đảng họp từ ngày 14 đến 20/12/1976 tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đổi tên đảng Lao động Việt Nam (2-1951) thành Đảng Cộng Sản Việt Nam và thể theo nguyện vọng của cán bộ, ĐVTN cả nước, Đại hội Đảng lần thứ IV đã quyết định đổi tên Đoàn TNLĐ Hồ Chí Minh (1970) thành: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Đại hội Đảng chỉ rõ nhiệm vụ của Đoàn và phong trào thanh niên trong giai đoạn mới là: “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phải được xây dựng và củng cố vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xứng đáng là trường học CSCN của lớp người trẻ tuổi, là cánh tay đắc lực và đội hậu bị tin cậy của Đảng”.
          Được mang tên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là vinh dự và tự hào lớn của toàn thể cán bộ đoàn viên nước ta.
(Nguồn doanthanhnien.vn)
 
 
 
  SỔ TAY NGHIỆP VỤ
  
 

 

Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn số tháng 3 năm 2019, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên, tổ chức Đoàn Kế hoạch Tháng Thanh niên năm 2019:
    KẾ HOẠCH
Tháng Thanh niên năm 2019
----------------
 
Thực hiện Chương trình công tác Đoàn và phong trào Thanh thiếu nhi năm 2019; Kế hoạch số 141-KH/TWĐTN-ĐKTHTN, ngày 14/02/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về Kế hoạch “Tháng Thanh niên năm 2019”. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai Kế hoạch Tháng Thanh niên năm 2019 với chủ đề: “Thanh niên tình nguyện vì cộng đồng”, nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Thực hiện chủ đề công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2019 Thanh niên tình nguyện, sáng tạo trong khởi nghiệp, lập nghiệp; triển khai các Đề án của nhiệm kỳ 2017 - 2022; cụ thể hóa các Kết luận của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn khóa XI; Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn khóa XVI;qua đó phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong tham gia thực hiện các công trình, phần việc góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị; đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động tình nguyện, đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện thường xuyên, tình nguyện tại chỗ.
- Tạo sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các cấp và toàn xã hội đối với công tác chăm lo, bồi dưỡng và giáo dục thế hệ trẻ.
- Khơi dậy niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên; tạo phong trào thi đua sôi nổi kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2019). Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn và tổ chức cơ sở Đoàn, gắn với thực hiện kết luận về các giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn; kết luận về các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn trên địa bàn dân cư.
2. Yêu cầu:
- Các hoạt động Tháng Thanh niên năm 2019  triển khai đảm bảo đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức, loại hình hoạt động, tập trung hoạt động tại cơ sở; chú ý tính rộng khắp, tính thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, có tính hành động cao, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia, tránh phô trương, hình thức.
- Tăng cường sự quan tâm ủng hộ của cộng đồng, xã hội cho các hoạt động của thanh niên, của tổ chức Đoàn.
II. NỘI DUNG
1. Tổ chức tuyên truyền về truyền thống của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam:
- Tổ chức các hình thức tuyên truyền, giới thiệu về truyền thống Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, truyền thống tuổi trẻ Việt Nam qua các thời kỳ, về ý nghĩa của Tháng Thanh niên. Tổ chức các hình thức tuyên truyền trực quan tại các cơ sở Đoàn, các nơi đông thanh niên, trên mạng xã hội, trang tin điện tử của Đoàn. Phối hợp với Báo Hòa Bình, Đài PT&TH tỉnh, Đài Truyền thanh, truyền hình các Huyện, Thành phố tuyên truyền về lịch sử, truyền thống của Đoàn, của tuổi trẻ Việt Nam trên các chuyên trang, chuyên mục.
- Tổ chức hành trình đến các khu di tích lịch sử, các địa chỉ đỏ trong và ngoài tỉnh gắn liền với truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương, dân tộc và với tổ chức Đoàn.
- Giới thiệu các gương điển hình thanh niên tiêu biểu, đoàn viên xuất sắc gắn với tuyên truyền cuộc vận động xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới. Vận động đoàn viên, thanh niên tìm hiểu, bình chọn Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018.
- Tổ chức cuộc thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường” lần thứ III, trong đó có nội dung tìm hiểu lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các gương anh hùng trẻ tuổi Việt Nam.
2. Tổ chức các hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh:
- Tổ chức các đội hình Thanh niên tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn  mới: tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn (điện, đường, trường, trạm, cầu giao thông, hệ thống kênh mương nội đồng), triển khai mô hình “Thắp sáng đường quê”; triển khai tuyến đường, thôn, xóm nông thôn mới kiểu mẫu; các hoạt động bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon, bảo vệ nguồn nước; tổ chức hoạt động đồng loạt “Ngày Chủ nhật xanh”; trồng cây; trồng rừng; tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới; các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất mới và thông tin thị trường cho thanh niên nông thôn, chương trình OCOP - mỗi xã một sản phẩm.
- Tổ chức các đội hình thanh niên tình nguyện tham gia xây dựng đô thị văn minh: bảo vệ môi trường, xóa các điểm đen về ô nhiễm môi trường, các điểm tập kết rác sai quy định; đảm bảo an toàn giao thông; tham gia giữ gìn trật tự đô thị; đăng ký đảm nhận và thực hiện các tuyến đường “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn”; tuyên truyền phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân.
3.Tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, phục vụ Nhân dân:
- Tổ chức các đội hình y bác sĩ trẻ tình nguyện tư vấn sức khỏe, khám bệnh, cấp thuốc cho người dân ở các xã khó khăn, người nghèo, neo đơn, gia đình chính sách.
- Tổ chức các hoạt động tặng quà cho người nghèo và gia đình chính sách; hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; huy động nguồn lực và tổ chức thanh niên tình nguyện xây dựng nhà nhân ái, các điểm sinh hoạt, vui chơi giải trí cho Thanh thiếu nhi.
- Tổ chức “Ngày thứ bảy tình nguyện" hỗ trợ Nhân dân về thủ tục hành chính.
- Hưởng ứng chương trình “Tháng ba biên giới” gắn với kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (03/3/1959 - 03/3/2019), 30 năm ngày Biên phòng toàn dân (03/3/1989 - 03/3/2019).
4. Tổ chức các hoạt động thúc đẩy tinh thần sáng tạo của Thanh niên:
- Tổ chức các hoạt động hướng dẫn phương pháp tư duy sáng tạo, diễn đàn, tọa đàm về sáng tạo trong các đối tượng, lĩnh vực. Tổ chức giao lưu với các cá nhân có nhiều ý tưởng, sáng kiến trong công việc, học tập, sản xuất. Tăng cường thực hiện các chuyên mục, chuyên đề, các tuyến bài giới thiệu sản phẩm sáng tạo, ý tưởng sáng tạo, gương điển hình, phương pháp tư duy sáng tạo trên các báo, trang tin điện tử, mạng xã hội của Đoàn, Hội, Đội.
- Thực hiện hỗ trợ triển khai cụ thể các ý tưởng sáng tạo có tính khả thi cao, chuyển giao, giới thiệu ý tưởng sáng tạo của thanh thiếu nhi đến các đơn vị phù hợp, vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ thúc đẩy, phát triển ý tưởng sáng tạo.
5.Tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp:
- Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của cán bộ Đoàn các cấp.
- Tư vấn, đào tạo, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. 
- Tiếp tục triển khai các chương trình kết nối nguồn vốn, các quỹ đầu tư cho các dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao. Tổ chức hỗ trợ vốn vay cho thanh niên làm kinh tế. Kết nối, phối hợp, hỗ trợ phát triển ý tưởng sản phẩm, quản lý sản xuất; nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho thanh niên.
6. Tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm cho thanh niên:
- Triển khai các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh trong học sinh các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
- Tổ chức các hoạt động tư vấn việc làm cho học sinh, sinh viên trước khi tham gia thị trường lao động; tổ chức đào tạo kỹ năng tìm kiếm việc làm, kỹ năng tự tạo việc làm và kỹ năng làm việc cho thanh niên.
- Tổ chức các hoạt động đào tạo nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho thanh niên trong đó tập trung đối tượng thanh niên nông thôn, bộ đội xuất ngũ, phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và thanh niên tái hòa nhập cộng đồng, thanh niên khuyết tật.
7.Tổ chức các hoạt động trong thiếu nhi, đội viên kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2019):
- Tổ chức ngày hội “Thiếu nhi vui, khỏe” trong khối tiểu học, Ngày hội “Tiến bước lên Đoàn” trong các liên đội Trung học cơ sở với chủ đề “Em yêu Tổ quốc Việt Nam” nhân kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
- Tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho thiếu nhi, đặc biệt là kỹ năng phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, thiếu nhi ở khu vực vùng sâu, vùng xa; thiếu nhi là con công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; xây dựng và tổ chức các điểm sinh hoạt, vui chơi cho Thanh thiếu nhi trên địa bàn.
8. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2019):
- Tổ chức đối thoại, trao đổi giữa cấp uỷ đảng, lãnh đạo, chính quyền với các cấp bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên; tổ chức Ngày đoàn viên 2019. Chủ động tham mưu các cơ chế, chính sách, điều kiện mới cho công tác Đoàn, công tác thanh niên, cho sự phát triển của Thanh niên.
- Tập trung công tác phát triển đoàn viên mới; thực hiện cuộc vận động "Đoàn viên thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam", nâng cao chất lượng đoàn viên ưu tú, tổ chức các đợt trao danh sách giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp; thành lập các tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, ở  khu nhà trọ với mô hình phù hợp; tổ chức các hoạt động để phát huy vai trò tổ chức Đoàn - Hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
- Thực hiện nghiêm túc chủ trương "1+2", chủ trương “1+1” và xây dựng Đoàn cơ sở 3 chủ động.
- Tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tạo sân chơi lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tỉnh đoàn: Phân công các ban theo dõi, hướng dẫn, triển khai các hoạt động trong Tháng Thanh niên năm 2019, cụ thể như sau:
1.1. Ban Tuyên giáo:Là đơn vị thường trực Tháng Thanh niên, giúp Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Xây dựng kế hoạch,theo dõi, đôn đốc quá trình thực hiện Tháng Thanh niên tại các đơn vị; tổng hợp báo cáo các hoạt động Tháng Thanh niên hàng tuần; báo cáo tổng kết Tháng Thanh niên. Tham mưu công tác tuyên truyền Tháng Thanh niên trên các kênh báo chí của Đoàn, các kênh truyền thông ngoài Đoàn; tham mưu xây dựng các sản phẩm tuyên truyền trên mạng xã hội (clip ngắn, inforgaphic,…); tổng hợp, đánh giá, phản ánh ý kiến của cộng đồng, xã hội về các hoạt động trong Tháng Thanh niên năm 2019.Triển khai hoạt động “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”.
1.2.Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên: Tổ chức chương trình các hoạt động khám, chữa bệnh, cấp thuốc và tặng quà cho người nghèo và đối tượng chính sách; hiến máu tình nguyện; các hoạt động tuyên truyền và tập huấn lái xe an toàn; triển khai chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
1.3.Ban Phong trào: Hướng dẫn triển khai các hoạt động tham gia xây dựng đô thị văn minh; triển khai đồng loạt hoạt động “Ngày thứ bảy tình nguyện hỗ trợ Nhân dân về thủ tục hành chính qua dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 và dịch vụ Bưu chính công ích”,  “Ngày Chủ nhật xanh”. Hướng dẫn triển khai các hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện công trình thanh niên các cấp năm 2019.Tiếp tục triển khai Chương trình “Trồng 1 triệu cây xanh - vì một Hòa Bình xanh” giai đoạn 2018 - 2022.
1.4.Ban Tổ chức kiểm tra: Tham mưu tổ chức chương trình kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tham mưu xét chọn Giải thưởng Lý Tự Trọng trình TW Đoàn xem xét trao tặng. Hướng dẫn tổ chức “Ngày đoàn viên 2019”;Theo dõi các hoạt động đối thoại, trao đổi giữa cấp uỷ đảng, lãnh đạo, chính quyền với các cấp bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên; theo dõi công tác phát triển đoàn viên mới,công tác phát triển tổ chức Đoàn trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, công tác giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp. Theo dõi và hướng dẫn thực hiện chủ trương "1+2", chủ trương “1+1” và xây dựng Đoàn cơ sở 3 chủ động. Phối hợp với Ban Tuyên giáo tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện Tháng Thanh niên năm 2019.
1.5. Ban TTN Trường học: tham mưu tổ chức Hội thi Olympic các môn khoa học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường” lần thứ III; các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho Thanh thiếu niên.tuyên truyền về phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích cho trẻ em; tổ chức ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe, tiến bước lên Đoàn”.
1.6. Văn phòng Tỉnh đoàn: Phối hợp đề xuất kinh phí tổ chức Chương trình Lễ khởi động Tháng Thanh niên năm 2019, các hoạt động kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; phối hợp với Ban Tuyên giáo tham mưu đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh đoàn khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai hoạt động Tháng Thanh niên năm 2019.
2. Các Huyện, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc:
2.1. Xây dựng kế hoạch Tháng Thanh niên năm 2019 phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.
2.2. Tổ chức các hoạt động Tháng Thanh niên tại cơ sở, tập trung xây dựng lực lượng Thanh niên trực tiếp trên địa bàn tham gia triển khai các hoạt động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tổ chức Ngày đoàn viên 2019.
2.3. Tổng hợp các hoạt động cấp huyện dự kiến tổ chức trong Tháng Thanh niên năm 2019 gửi về Tỉnh đoàn qua Ban Tuyên giáo trước ngày 25/02/2019.
2.4. Đoàn thanh niên Công an tỉnh, Đoàn thanh niên Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Đoàn TN Khối các Cơ quan tỉnh, Đoàn trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, Đoàn trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Tây Bắc: Huy động nguồn lực phối hợp với các Huyện, Thành đoàn tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; làm đường giao thông nông thôn, trao tặng nhà nhân ái, xây dựng sân chơi thiếu nhi, các hoạt động an sinh xã hội. Đăng ký đảm nhận các công trình, phần việc tại Hoạt động hưởng ứng cấp tỉnh.
3. Chế độ thông tin, báo cáo:
3.1. Các Ban, Văn phòng Tỉnh đoàn theo dõi, đôn đốc cơ sở triển khai các nội dung hoạt động liên quan đến đối tượng, lĩnh vực phụ trách; tổng hợp các hoạt động dự kiến triển khai trong Tháng Thanh niên năm 2019 của Ban, đơn vị gửi về Ban Tuyên giáo trước ngày 25/02/2019.
3.2.Các Huyện, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về Tỉnh đoàn qua Ban Tuyên giáo(email:tuyengiao.tdhb@gmail.com) như sau: gửi báo cáo tuần triển khai Tháng Thanh niên trước 09h00’ thứ Hai hằng tuần; gửi báo cáo Tổng kết Tháng Thanh niên năm 2019 trước ngày 01/4/2019.
4. Một số hoạt động cấp tỉnh:
4.1. Hoạt động khởi động Tháng Thanh niên năm 2019 (tổ chức tại huyện Lương Sơn, dự kiến ngày 01/3/2019 - Thứ sáu).
4.2. Các hoạt động khác (có danh mục kèm theo).
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đề nghị Ban Thường vụ các Huyện, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung hoạt động Tháng Thanh niên năm 2019./.
 
GƯƠNG THANH NIÊN 
 
Thủ lĩnh Đoàn năng động, nhiệt huyết thanh niên
 
(HBĐT) -Năng động, nhiệt tình, không ngừng sáng tạo là cảm nhận của đoàn viên, thanh niên (ĐV-TN) phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) về Bí thư Đoàn phường Nguyễn Thị Minh Tuyết. Năm 2018, với những đóng góp nổi bật trong công tác Đoàn, Minh Tuyết đã vinh dự là 1 trong 2 cán bộ Đoàn tiêu biểu của tỉnh được nhận giải thưởng Lý Tự Trọng.
Sinh năm 1988, đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đoàn phường khi 23 tuổi. Đến nay, sau 8 năm hoạt động, Nguyễn Thị Minh Tuyết đã góp phần giúp hoạt động Đoàn của phường ngày một đi lên. Với những nỗ lực không ngừng, chị được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết liên tịch số 03/NQLT-BCA-TWĐTN giữa Bộ Công an và T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về "Phối hợp hành động phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên” giai đoạn 2010-2012; Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn, UBND TP Hòa Bình tặng nhiều bằng khen, giấy khen về thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi từ năm 2012 - 2017…  
Description: http://baohoabinh.com.vn/Includes/NewsDetail/1_2019/dt_1012019924__kam0549%20(1).jpg
Nguyễn Thị Minh Tuyết (ngoài cùng bên phải) cùng Ban Chấp hành Đoàn phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) phối hợp với Công ty CP xây dựng Sao Vàng tặng quà học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Hào Lý (Đà Bắc).
Chia sẻ về kinh nghiệm tập hợp ĐV-TN, chị cho biết: "Những ngày đầu, việc tập hợp đông đủ ĐV-TN khá khó khăn. Để thu hút được đông đảo ĐV-TN tham gia các hoạt động Đoàn, tôi luôn chủ động bám sát cơ sở, gặp gỡ ĐV-TN nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để hiểu, biết được nhu cầu của ĐV-TN. Tôi luôn cố gắng nói đi đôi với làm. Khi mình đã tạo được lòng tin của mọi người bằng những việc làm thực tiễn, việc tập hợp các bạn trẻ trở nên dễ dàng hơn”. Từ 12 chi đoàn, năm 2018, Đoàn phường đã thành lập được thêm 1 chi đoàn (hiện có 13 chi đoàn) và kết nạp 17 đoàn viên mới.
 
Thực hiện việc triển khai đề án Thanh niên thành phố xây dựng thành phố môi trường và hưởng ứng văn hóa văn minh đô thị, Nguyễn Thị Minh Tuyết cùng với Đoàn phường thành lập Đội Thanh niên xung kích xây dựng văn minh đô thị, trực tiếp đảm nhận vai trò đội trưởng. Qua 3 năm hoạt động, đội đã tổ chức được 12 buổi lao động, dọn vệ sinh trên các trục đường chính của khu dân cư; thu gom được trên 20 tấn rác thải các loại; bóc dỡ biển quảng cáo, rao vặt trái phép với tổng chiều dài 12 km trên trục đường Phùng Hưng - Đoàn Thị Điểm; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân không buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường… Đồng hành cùng thanh niên phát triển kinh tế, phát huy tinh thần xung kích, tuổi trẻ sáng tạo trong lao động, sản xuất, Minh Tuyết cùng Đoàn phường thành lập câu lạc bộ "Thanh niên phát triển kinh tế giỏi”. Câu lạc bộ thu hút 5 ĐV-TN tham gia với các lĩnh vực đa dạng như: chăn nuôi, trang trại, cung cấp gạch ốp lát, kinh doanh dịch vụ ăn uống… Bên cạnh đó, duy trì tốt hoạt động của một số mô hình khác như: "Vườn rau thanh niên”, "Vườn cây thanh niên”…
 
  Với tinh thần năng động, Minh Tuyết đã vận động ĐV-TN tham gia các hoạt động tình nguyện xây dựng đô thị văn minh như: tổ chức ngày "chủ nhật xanh” lao động dọn vệ sinh trên các trục đường chính của phường; tham gia dọn vệ sinh khu di dân làng vạn chài thuộc phường Thịnh Lang, bờ kè sông Đà; phối hợp với Đoàn thanh niên Bệnh viện Đa khoa TP Hòa Bình và Tiểu đoàn tên lửa 152 xây dựng công trình "Vườn cây - hàng cây thanh niên”, trồng được 30 cây bằng lăng và 500 cây keo; hưởng ứng "Giờ trái đất” năm 2018 với chủ đề "Hôm nay tôi sống xanh hơn”, tổ chức nạo vét, khơi thông kênh - mương nội đồng tại cánh đồng xóm Gai… Ngoài ra, công tác đền ơn, đáp nghĩa, tinh thần tương thân, tương ái cũng được chị chú trọng thực hiện. Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, chị cùng BCH Đoàn phường tặng 10 suất quà, trị giá 2 triệu đồng cho 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại trường PTDT bán trú huyện Mai Châu; phối hợp với Công ty FPT tổ chức lăn sơn, tặng quà cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại tổ 15, phường Tân Hòa, trị giá 6 triệu đồng; cùng Đoàn thanh niên Trung tâm bồi dưỡng huấn luyện nghiệp vụ, Tiểu đoàn 152 và các cá nhân tặng 11 suất quà cho gia đình chính sách nhân ngày 27/7, trị giá trên 3 triệu đồng; phối hợp với Công ty CP xây dựng Sao Vàng tặng 15 suất quà, trị giá 4,5 triệu đồng cho các hộ gia đình và học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hào Lý (Đà Bắc)…
 
Trong năm 2018, chị cùng BCH Đoàn phường đã tổ chức nhiều buổi gặp mặt, giao lưu tuyên truyền, nổi bật như phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng phường tổ chức hội nghị tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho 50 ĐV-TN; phối hợp với câu lạc bộ "Tuổi trẻ với pháp luật" thành phố tổ chức phiên tòa giả định phòng - chống xâm hại tình dục trẻ em cho trên 200 ĐV-TN và nhân dân trên địa bàn phường; phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể nắm bắt tình hình và tuyên truyền ĐV-TN không tham gia vào tổ chức tự xưng "Hội thánh đức chúa trời”; chỉ đạo các chi đoàn tổ chức cho ĐV-TN đăng ký tham gia phong trào "3 không” (không thử, không giữ, không sử dụng ma túy)…
 
Bằng những hoạt động thiết thực, Nguyễn Thị Minh Tuyết không chỉ là tấm gương sáng cho ĐV-TN học tập, noi theo mà còn góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp thanh, thiếu niên trên địa bàn thêm gắn kết, trưởng thành, nâng cao nhận thức và tránh xa tai, tệ nạn xã hội.
Nguồn: Báo Hòa Bình
 
 
 Rounded Rectangle: BÀI HÁT THANH NIÊN
 
 
Chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên lời bài hát:
Bài ca Thanh niên Việt Nam
Sáng tác: Đức Thịnh.
 
Nào bạn ơi thanh niên ta đi tới mọi miền. 
Một màu xanh quê hương trong tim bước bên nhau. 
Cùng đi tới tương lai, từ ánh sáng khoa học, bằng niềm tin đang rực cháy... 
Vì ngày mai thanh niên ta ơi hãy lên đường, 
Mọi miền quê xa xôi yêu thương vẫn mong chờ. 
Cùng xây đắp cuộc đời từ ánh sáng con tim. 
Mùa hè xanh, vẫy gọi trong lòng . 
Thanh niên Việt Nam hát vang khúc ca. 
Khí phách hùng thiêng núi sông bừng lên. 
Xông pha, màu xanh cánh chim tung trời, ước mơ khoa học, khát khao trí tuệ, lòng nhân ái. 
Thanh niên Việt Nam trái tim tình nguyện. 
Non cao đảo xa rất mong sẻ chia, góp sức dựng xây nước non yên bình.
Biết bao công trình khát khao làm giàu nước non nhà.
Ban TG (sưu tầm)
 



 
 
Tác giả bài viết: Thành Đoàn Hòa Bình
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
 

Văn bản mới

 Số: 27-HD/ĐTN
Tên: (Hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình rèn luyện đoàn viên giai đoạn 2018 - 2022)

Ngày BH: (01/10/2018)

 Số: 26-HD/ĐTN
Tên: (Hướng dẫn Đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú giai đoạn 2018 - 2022)

Ngày BH: (01/10/2018)

 Số 70 - CV/ĐTN
Tên: (V/v tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên tham gia Hệ tri thức Việt số hóa)

Ngày BH: (08/08/2018)

 Số 18 - KH/ĐTN
Tên: (Kế hoạch Tổ chức các hoạt động “Tuổi trẻ tri ân các anh hùng liệt sỹ” nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2018))

Ngày BH: (03/07/2018)

 Số 56-CV/ĐTN
Tên: (V/v vận động ĐVTN tham gia công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về các biện pháp phòng chống bệnh dại)

Ngày BH: (09/07/2018)

 Hướng dẫn số 17-HD/ĐTN Xây dựng Đoàn cơ sở "3 chủ động" giai đoạn 2018-2022
Tên: (Hướng dẫn xây dựng đòn cơ sở "3 chủ động", giai đoạn 2018-2022)

Ngày BH: (02/07/2018)

 Công văn số 56-CV/ĐTN v/v tham gia Câu lạc bộ "Tuổi trẻ với pháp luật"
Tên: (V/v tham gia Câu lạc bộ "Tuổi trẻ với pháp luật")

Ngày BH: (02/07/2018)

 49 - CV/ĐTN
Tên: (Triển khai cuộc vận động “Mỗi thanh niên một ý tưởng sáng tạo” trong thanh niên Hòa Bình năm 2018.)

Ngày BH: (22/06/2018)

 KH số 08 tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh
Tên: (KH tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh)

Ngày BH: (12/03/2018)

 Thể lệ cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hòa Bình" 2018
Tên: (Thể lệ cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hòa Bình" 2018)

Ngày BH: (29/03/2018)

Music


  • Đang truy cập: 481
  • Khách viếng thăm: 346
  • Máy chủ tìm kiếm: 135
  • Hôm nay: 48238
  • Tháng hiện tại: 1985298
  • Tổng lượt truy cập: 22052710

Liên kết Website