Chiến dịch hè 2023
Chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 12
Banner giữa trang

Tài Liệu Sinh Hoạt Chi Đoàn Tháng 7 Năm 2019

Đăng lúc: Thứ hai - 08/07/2019 21:07
CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ TRÁCH NHIỆM, TRUNG THỰC, NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM.
Tìm hiểu trong Hồ Chí Minh toàn tập (15 tập, Nxb CTQG, HN, 2011), chúng ta thấy chữ “trách nhiệm” xuất hiện 463 lần, “tinh thần trách nhiệm” xuất hiện 116 lần, “có trách nhiệm” 72 lần, “chịu trách nhiệm” 63 lần, “làm tròn trách nhiệm” 13 lần, “trung thực” 24 lần, “miệng nói tay làm” 12 lần, “nói và làm” 3 lần.
   
 
 



CHUYÊN ĐỀ
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO
TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
VỀ TRÁCH NHIỆM, TRUNG THỰC, NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM
 (Tài liệu dành cho đoàn viên, thanh niên năm 2019, ban hành kèm theo
Công văn số 2330 -CV/TWĐTN-BTG, ngày 05 tháng 3 năm 2019
của Ban Bí thư Trung ương Đoàn)
----------
 
Phần thứ nhất
TƯ TƯỞNG VÀ TẤM GƯƠNG HỒ CHÍ MINH VỀ TINH THẦN
TRÁCH NHIỆM, TRUNG THỰC, NÓI ĐI ĐÔI VỚI LÀM
Tìm hiểu trong Hồ Chí Minh toàn tập (15 tập, Nxb CTQG, HN, 2011), chúng ta thấy chữ “trách nhiệm” xuất hiện 463 lần, “tinh thần trách nhiệm” xuất hiện 116 lần, “có trách nhiệm” 72 lần, “chịu trách nhiệm” 63 lần, “làm tròn trách nhiệm” 13 lần, “trung thực” 24 lần, “miệng nói tay làm” 12 lần, “nói và làm” 3 lần. Thông qua những bài viết, bài nói chuyện và thực tiễn cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta nhận thức được những vấn đề cơ bản trong tư tưởng của Người về tinh thần trách nhiệm, tính trung thực, nói đi đôi với làm, toát lên tấm gương sáng ngời cho nhiều thế hệ noi theo. Dưới đây là một số điểm cơ bản trong tư tưởng và tấm gương của Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm, trung thực, nói đi đôi với làm.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm
1.1. Về khái niệm
Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích rõ khái niệm “tinh thần trách nhiệm” thông qua những từ ngữ rất giản dị, gần gũi, dễ hiểu, gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người. Theo Bác, “Tinh thần trách nhiệm là: nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ”, đó là “khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công”. Ngược lại, người không có trách nhiệm là “Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy.” [1]
Ý thức trách nhiệm là tự ý thức được về các công việc phải làm, biết “nhận rõ phải, trái, đúng, sai”, tự mình xác định việc cần làm để làm cho có hiệu quả. Do đó, ý thức trách nhiệm của mỗi người trước hết thể hiện trong quan hệ với nhiệm vụ được giao, với công việc phải làm; thể hiện thông qua việc nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đúng đường lối quần chúng. Trên cơ sở có ý thức đúng đắn, tính tự giác, tích cực thực hiện trách nhiệm của mình, đó là có tinh thần trách nhiệm cao.
1.2. Về yêu cầu
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”[2]. “Mọi người đều có trách nhiệm làm cho dân giàu nước mạnh, quốc phòng vững mạnh”[3], “phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội”[4]. Trong đó, cán bộ, đảng viên là người đi trước, làm gương cho nhân dân noi theo. Vì như Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhân dân ta thường nói: đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”[5]. Khi “Cán bộ xung trước, Làng nước theo sau, Việc khó đến đâu, Cũng làm được hết”[6].
Bất luận cán bộ, đảng viên hay quần chúng nhân dân, đã là người “có tinh thần trách nhiệm” đều phải tích cực tìm hiểu, học tập để nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Xây dựng, rèn luyện bản lĩnh vững vàng, có niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, các mục tiêu hành động, phấn đấu đều là vì dân, vì nước, vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Do vậy, phải toàn tâm toàn ý, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
1.3. Về nội dung
Tinh thần trách niệm được Hồ Chí Minh chỉ rõ thông qua dẫn chứng rất cụ thể, dễ hiểu. Đó là, “Người nấu bếp, lo làm cho luôn luôn cơm lành canh ngon, bát đũa sạch sẽ. Không phí phạm của công. Tìm cách tăng gia, trồng rau, nuôi gà (có kế hoạch động viên anh em giúp). Khi anh em ốm yếu, thì có bát canh bát cháo. Khi bộ đội đang mải đánh giặc, thì tìm cách đưa cơm đến nơi cho anh em ăn. Khi tiếp tế khó khăn thì tìm mọi cách vượt qua, không để anh em thiếu thốn. Như thế là có tinh thần trách nhiệm. Người cán bộ quân sự, thì luôn luôn học hỏi chính trị và kỹ thuật, chiến thuật. Luôn luôn săn sóc đến tinh thần và vật chất của đội viên. Đoàn kết nội bộ. Giúp đỡ nhân dân. Kiên quyết chấp hành mệnh lệnh trên giao xuống. Khi đánh giặc thì làm cho toàn đội thấm nhuần tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Gặp việc khó khăn thì cố tìm cách giải quyết đúng. Như thế là có tinh thần trách nhiệm”[7].
Mỗi người đều phải có trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ, trước nhân dân; có trách nhiệm với công việc, với bản thân mình, với gia đình, quê hương.
Khi Tổ quốc lâm nguy thì “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”[8]. Trách nhiệm ấy được thể hiện ở tinh thần đấu tranh quên mình cho độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Lịch sử Đảng ta đã có nhiều tấm gương điển hình tuyệt vời về trách nhiệm cao cả ấy. “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”[9].
Phải có trách nhiệm đối với Đảng, tất cả đảng viên phải kiên định với tôn chỉ, mục đích, mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Đảng viên phải quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương, nghị quyết do Đảng đề ra; thực hiện tốt các nhiệm vụ của người đảng viên; chấp hành nghiêm Điều lệ, kỷ luật Đảng; tích cực tham gia xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh; luôn giữ vững tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người cộng sản chúng ta không được phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là: Suốt đời làm cách mạng phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, làm cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thắng lợi hoàn toàn trên Tổ quốc ta và trên thế giới”[10].
Phải có trách nhiệm với người khác, với bản thân, gia đình, quê hương. Biểu hiện cụ thể của các trách nhiệm nêu trên của mỗi người là trách nhiệm với chính mình, với “bổn phận”, công việc được giao. Khi xác định rõ “bổn phận”, trách nhiệm phải làm thì tự thân mỗi người tự giác, tự mình cố gắng vươn lên để hoàn thành trách nhiệm đó. Là một thành viên của xã hội, của tổ chức, mỗi người giữ một vị trí xã hội nhất định, hoạt động trong một lĩnh vực nhất định và thực hiện một công việc nhất định. Do vậy, hoàn thành nhiệm vụ được giao là kết quả thực hiện các trách nhiệm nêu trên.  
14. Về cách thức thực hiện
Người có trách nhiệm thì phải làm tròn nhiệm vụ và muốn làm tròn nhiệm vụ, cần phải thực hiện theo tuần tự: “Đảng và Chính phủ điều tra, nghiên cứu, cân nhắc cẩn thận nhằm vào lợi ích chung của nhân dân, đặt chính sách. Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu suốt, thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, hiểu suốt hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực, để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho mọi người hiểu thấu và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ, rồi thi đua thực hiện đầy đủ chính sách ấy. Như thế là làm trọn nhiệm vụ”[11].
Bên cạnh đó, “Để thực hiện chính sách, làm trọn nhiệm vụ, cán bộ chẳng những phải chịu khó giải thích, tuyên truyền, cổ động mà còn phải bàn bạc với quần chúng, hỏi han ý kiến, gom góp sáng kiến của quần chúng. Lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình... Tóm lại, phải đi đúng đường lối quần chúng. Thế là có tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, đối với Chính phủ, đối với nhân dân” [12].
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về trung thực, nói đi đôi với làm
2.1. Về khái niệm
Trung thực là thành thực với chính mình, với mọi người, với công việc; luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức, chân thật trong từng lời nói và hành động, nói đi đôi với làm. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất, tạo nên định hướng giá trị nhân cách của con người Việt Nam. Người trung thực không chấp nhận gian dối trong bất kỳ việc gì và hoàn cảnh nào. Trung thực làm nên tính cách tự trọng, thẳng thắn của cá nhân; tạo nên uy tín, sức mạnh cho tập thể. Sống trung thực đòi hỏi phải dũng cảm và nghiêm khắc với chính bản thân. Do đó, trung thực luôn gắn liền với trách nhiệm. Trung thực, trách nhiệm cũng có nghĩa là kiên quyết bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái tích cực; dũng cảm đấu tranh với những cái sai, khuyết điểm, cái tiêu cực; nghiêm khắc tự phê bình và phê bình, thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm của cá nhân và tổ chức mình, cầu thị, kịp thời sửa chữa hạn chế, khuyết điểm.
Nói đi đôi với làm là nguyên tắc đầu tiên trong ba nguyên tắc đạo đức cách mạng được Hồ Chí Minh đưa ra, đó là: Nói thì phải làm, xây đi cùng với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời. Nói đi đôi với làm không chỉ là nguyên tắc đạo đức, lẽ sống, phương châm hoạt động mà còn là biểu hiện sinh động, cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi người.
Bởi vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải miệng nói tay làm, phải xung phong gương mẫu”[13], “miệng nói tay làm, kịp thời giải quyết các vấn đề. Quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa lãnh đạo và quần chúng càng thêm khăng khít, công việc càng thêm dễ dàng”[14]. “Miệng nói tay làm, lý luận gắn liền với thực hành. Nó làm cho cán bộ tư tưởng thêm thông, lập trường thêm vững, lề lối làm việc thêm dân chủ”[15].
Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền “phải miệng nói tay làm, phải tuỳ hoàn cảnh mà tổ chức giúp đỡ nhân dân thực sự, không phải chỉ dân vận bằng diễn thuyết. Muốn vậy cán bộ phải làm gương mẫu”[16].
2.2. Về nội dung
Biểu hiện cụ thể của trung thực và trách nhiệm là nói đi đôi với làm, tập trung ở một số điểm chính sau đây:
- Nói phải đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không được nói sai, xuyên tạc. Cán bộ, đảng viên phải nắm vững đường lối cách mạng của Đảng trong toàn bộ tiến trình cách mạng và được cụ thể hóa trong từng giai đoạn. Nắm vững đường lối cách mạng để triển khai thực hiện cho đúng và để tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân làm theo cho đúng. Phải rèn luyện bản lĩnh vững vàng để có niềm tin vào mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, dù trải qua những tình huống phức tạp, những bước ngoặt hiểm nghèo, trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Không được “nói một đàng làm một nẻo”. Theo Bác, lời nói đi đôi với việc làm, nói được làm được, sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Khi đề ra công việc, phải tránh cách nói chung chung, đại khái và khó hiểu. Khi nói cần phải cụ thể, thiết thực, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Cán bộ phải nói đi đôi với làm, nói trước làm trước để cho nhân dân noi theo.
Không được nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm. Nếu chính mình tham ô mà bảo người khác liêm khiết, mình không làm việc nhưng hô hào người khác làm việc thì không được. Nếu hô hào phải cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, mà bản thân lại lười biếng, không hoàn thành những công việc được giao, luôn tìm cách tham ô tiền của Nhà nước và nhân dân; sống xa hoa, lãng phí trong khi cuộc sống của đại đa số nhân dân còn nhiều thiếu thốn,... thì những lời nói đó sẽ không có tác dụng giáo dục.
- Không được hứa mà không làm. Lời hứa chỉ có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể. Làm ở đây chính là hành động, hoạt động thực tiễn, là tổ chức thực hiện; đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Hồ Chí Minh yêu cầu “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hoá ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”[17].
Hồ Chí Minh cho rằng, với trình độ giác ngộ và dân trí ngày càng cao, không phải cứ nghe cán bộ nói là quần chúng sẽ làm theo mà họ xem việc cán bộ làm. Cán bộ, đảng viên “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh... phải thật thà nhúng tay vào việc”[18].
Để tránh việc hứa mà không làm, Hồ Chí Minh yêu cầu mọi người đã nói thì phải làm, “Nói ít, bắt đầu bằng hành động”; “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”[19]. Cán bộ lãnh đạo làm gương cho nhân viên; cấp trên làm gương cho cấp dưới; cán bộ, đảng viên làm gương cho nhân dân. Đồng thời, cần giao cho một đơn vị hoặc cá nhân thường xuyên kiểm tra, giám sát và nhắc nhở đối với những tổ chức, cá nhân đã đưa ra lời hứa và yêu cầu tổ chức, thực hiện cho đúng. Có những việc cần giao cho nhân dân kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện.
Người viết: “Vì trong cán bộ, có những đồng chí tốt, miệng nói tay làm, nhưng cũng có một số đồng chí “chỉ tay năm ngón”, không chịu làm”[20] nên khó giáo dục quần chúng. Người yêu cầu, “Nói cái gì phải cho tin - nói và làm cho nhất trí - làm thế nào cho dân tin - cho bộ đội tin ở mình”[21]. “Nói và làm, hiểu biết và thực hành không nhất trí. Thí dụ, khi thật hăng thì nói "hy sinh tất cả để phụng sự nhân dân", song khi gặp công việc gì khó khăn, nguy hiểm thì lo cho thân mình và gia đình mình trước. Nông dân cày ruộng, công nhân xây nhà. Người tiểu tư sản trí thức thì "xây không hay, cày không thạo", những điều hiểu biết phần lớn chỉ là hiểu biết trong sách, trên giấy. Do đó, tư tưởng và quan điểm không thiết thực, không cụ thể”[22].
3. Tấm gương Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm, trung thực, nói đi đôi với làm
Hồ Chí Minh không chỉ bàn luận đến tinh thần trách nhiệm, đức tính trung thực, nói đi đôi với làm mà chính bản thân Người là tấm gương mẫu mực về những đức tính đó. Tư tưởng và tấm gương của Người về tinh thần trách nhiệm, trung thực, nói đi đôi với làm là tấm gương sáng ngời cho chúng ta noi theo.
Từ những ngày thơ ấu đang sinh sống ở quê nhà (Nam Đàn, Nghệ An), rồi theo cha đi đến nhiều nơi, ra Bắc, vào Nam; tiếp đó là suốt 30 năm (1911 - 1941) bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, rồi trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cho đến lúc đi xa (năm 1969), Bác Hồ luôn là tấm gương sáng về đạo đức chuẩn mực, có tinh thần trách nhiệm, luôn trung thực, nói đi đôi với làm.
Ra đi tìm đường cứu nước với tinh thần tự giác, nêu cao trách nhiệm với Tổ quốc và đồng bào, Hồ Chí Minh mang theo hoài bão, khát vọng tìm được con đường vừa cứu được nước lại cứu được dân. Người tự phân tích, chỉ ra hạn chế trong con đường cứu nước của các vị tiền bối, nhận thấy cụ Phan Chu Trinh yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương, “chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương”; cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật Bản giúp đỡ để đuổi Pháp, “chẳng khác gì đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”; cụ Hoàng Hoa Thám trực tiếp đấu tranh chống Pháp nhưng “còn nặng cốt cách phong kiến”[23]. Từ đó, Người tìm hiểu một số cuộc cách mạng tư sản, nhất là Đại cách mạng Pháp năm 1789 với bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền và khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” nổi tiếng; cách mạng Bắc Mỹ với Tuyên ngôn độc lập năm 1776 tuyên bố về quyền con người, nhưng nhận thấy đây vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu cách mạng của dân tộc Việt Nam. Cuối cùng, Người tìm được và quyết định đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 của Lênin - lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới - người đã kế thừa và phát triển di sản vĩ đại của Mác - Ăngghen.
Sau khi tìm được con đường cứu nước phù hợp với nguyện vọng của dân tộc, Nguyễn Ái Quốc tự xác định trách nhiệm thức tỉnh dân tộc Việt Nam, trước hết là lớp thanh niên, trí thức yêu nước về nhiệm vụ và con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Người xúc tiến các điều kiện thành lập Đảng Cộng sản để lãnh đạo phong trào cách mạng đi đến thắng lợi. Qua thời gian chuẩn bị về lý luận, tổ chức và cán bộ, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2/1930 tại Cửu Long - Hương Cảng - Trung Quốc, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắtĐiều lệ vắn tắt của Đảng do Người soạn thảo, trong đó xác định rõ đường lối cách mạng Việt Nam. Người cũng ra lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng. Những văn kiện được Hội nghị thông qua là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.
Giai đoạn 1930 - 1945, Hồ Chí Minh hai lần bị địch bắt, bị giam cầm trong nhà tù của kẻ thù. Trong hoàn cảnh lao tù, Người xác định “Muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao”2, “Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”[24]. Trong những năm hoạt động bí mật ở chiến khu Việt Bắc, Người trải qua cuộc sống gian khổ, cùng nhân dân chuẩn bị đấu tranh giành chính quyền. Khi kêu gọi nhân dân tham gia Mặt trận Việt Minh, Người xác định trách nhiệm của mình: “Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”[25].
Muốn nêu gương cho mọi người, thì nói phải đi đôi với làm. Ở Hồ Chí Minh đã đạt đến sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức. Khi nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kêu gọi toàn dân diệt “giặc đói” bằng cách mười ngày nhịn ăn một bữa để lấy số gạo đó cứu những người bị đói mà chính Người đã làm gương thực hiện trước. Bởi theo Người: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[26].
Người tâm sự: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”[27].
Trong quan hệ với Nhà nước và Nhân dân, Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ trách nhiệm của mình, đó là nhận sự uỷ thác của quốc dân, đồng bào, hoàn thành trách nhiệm được Tổ quốc, nhân dân giao phó. Người nói rõ: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[28].
Vì nêu cao trách nhiệm, trung thực, nói đi đôi với làm mà từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những biểu hiện không tốt ở một số cán bộ, đảng viên: “Vác mặt làm quan cách mạng”; “nói mà không làm”; “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối quan chủ”; “miệng thì nói: “Phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”[29]. Chính Người là một mẫu mực giữa lời nói với việc làm, khi hướng dẫn nhân dân cấy lúa, tát nước, kéo lưới, Người xắn quần tát nước, cấy lúa, kéo lưới để nhân dân làm theo…
Trong lãnh đạo cách mạng, có lúc Đảng, Nhà nước phạm sai lầm, khuyết điểm. Trước khuyết điểm chung, với tinh thần dám chịu trách nhiệm, Người đứng lên, thay mặt Đảng, Chính phủ xin lỗi nhân dân. Người viết: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”[30]. Tháng 8/1956, trong Thư gửi đồng bào nông thôn và cán bộ nhân dịp cải cách ruộng đất ở miền Bắc căn bản hoàn thành, Người viết: “Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm ấy, và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa, nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất”[31].
Tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm, trung thực, nói đi đôi với làm, tiết kiệm, giản dị không chỉ là mẫu mực cho mọi người Việt Nam học tập, làm theo mà còn được báo chí nước ngoài, bạn bè quốc tế nhiều lần nhắc đến, mến phục.
  
 
Rounded Rectangle: THEO DÒNG LỊCH SỬ - NGÀY NÀY NĂM ẤY 
 

- 02/7/1976: Kỷ niệm Ngày nước ta đổi quốc hiệu từ Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- 11/7: Kỷ niệm ngày Dân số thế giới.
- 15/7/1950: Kỷ niệm Ngày truyền thống thanh niên xung phong.
- 17/7/1966: Ngày Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
- 20/7/1954: Ngày ký hiệp định Giơnevơ.
- 27/7/1947: Kỷ niệm Ngày thương binh, liệt sỹ Việt Nam.
- 28/7/1929: Kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Thanh niên xung phong - niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam
Ngày 15 - 7 - 1950, theo chỉ thị của Bác Hồ, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành lập đơn vị Thanh niên xung phong (TNXP) công tác Trung ương đầu tiên tại núi Hồng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên với 225 đội viên để phục vụ chiến dịch Biên giới.
  Mục đích thành lập đội TNXP là nhằm “phát huy sức mạnh dời non lấp biển của tuổi trẻ, xung phong phục vụ cuộc kháng chiến cứu nước đi đến toàn thắng và làm “trường học lớn” đào tạo rèn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước phục vụ công cuộc kiến quốc, xây dựng Chủ nghĩa xã hội tương lai”.
  TNXP chống Pháp đã góp phần bảo vệ an toàn các cơ quan Trung ương, tham gia xây dựng các tuyến đường huyết mạch phục vụ chiến đấu. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trên 16.000 cán bộ đội viên TNXP đã đảm bảo giao thông thông suốt ở các toạ độ lửa như đèo Pa Đin, ngã ba Cò Nòi,…
  Ngày 20 - 3 - 1951, trong chuyến thăm Liên phân đội TNXP 312 làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù (Bắc Kạn), Bác Hồ đã ứng khẩu 4 câu thơ nổi tiếng tặng Lực lượng TNXP Việt Nam:
  Không có việc gì khó
  Chỉ sợ lòng không bền
  Đào núi và lấp biển
 Quyết chí ắt làm nên
 Các thế hệ thanh niên Việt Nam không ai không thuộc những lời dạy quý báu này và nhạc sĩ Hoàng Hòa đã phổ nhạc thành bài Đoàn ca nổi tiếng.
 
Description: Description: http://www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn/image/image_gallery?uuid=d6add11e-6c44-462d-b95a-ba19bb67c5f1&groupId=10217&t=1286644410812
Bác Hồ với TNXP
Năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân xâm lược nước ta. Cùng với bộ đội mang quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trên 200.000 TNXP chống Mỹ cứu nước đảm bảo huyết mạch giao thông với khẩu hiệu “tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không thể tắc”. Những địa danh ghi đậm chiến công của TNXP thời kỳ này như Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Hàm Rồng, đường 20 Quyết Thắng, núi Nhồi, hang Tám Cô… mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc với niềm tự hào bi tráng nhất.
          Cùng lúc ấy, ngày 20 - 4 - 1965 tại tỉnh Tây Ninh, Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam được thành lập với quân số ban đầu là 108 người. Tiếp sau đó, trên 5.000 nam nữ thanh niên từ đất mũi Cà Mau đến các tỉnh Nam Trung bộ, Đông Nam Bộ và cả Việt kiều Campuchia đã “đầu quân” vào Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam.
          Trong 10 năm hoạt động (từ 1965 đến 1975), Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam đã đảm trách hầu hết các chiến dịch quan trọng ở miền Nam như chống cuộc càn Junction-City, cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, Chiến dịch Hồ Chí Minh,… tham gia 614 trận đánh lớn, xứng đáng với danh hiệu được bộ đội trao tặng: “chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên”.
          Sau đại thắng mùa xuân 1975, thế hệ thứ 4 của TNXP lại tiếp tục lên đường. 300.000 TNXP TP.Hồ Chí Minh đã cống hiến sức trẻ và xương máu cho việc khai hoang phục hóa, xây dựng vùng kinh tế mới và bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. 98 liệt sĩ TNXP đã ngã xuống trong giai đoạn này và 47 đội viên TNXP khác trở về cuộc sống đời thường với một phần thân thể không lành lặn.
          Trong công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, Thanh niên xung phong cũng như bộ đội đã có những hy sinh mất mát to lớn. Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung ương Hội cựu TNXP Việt Nam, có hơn 5.000 liệt sĩ và hàng vạn  thương binh TNXP trên khắp mọi miền đất nước.
          Ngày 30 - 6 - 1995, thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ đội viên TNXP các thế hệ, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là đồng chí Võ Văn Kiệt đã ký quyết định số 382/TTg lấy ngày 15 - 7 hàng năm làm ngày truyền thống của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam.
Nguồn: http://www.tnxp.hochiminhcity.gov.vn
 
Lịch sử ngày thương binh liệt sỹ 27/7
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Tuy nhiên, do chính quyền cách mạng còn non trẻ nên thực dân Pháp đã âm mưu trở lại xâm lược nước ta.
Thực dân Pháp đã vào thay thế Tưởng Giới Thạch ở Bắc Bộ và âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn nền độc lập cho đất nước, toàn quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng ở những nơi có thực dân Pháp chiếm đóng. Nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương và vĩnh viễn nằm lại chiến trường.
Nỗi đau bao trùm lên toàn dân tộc, nhiều gia đình mất đi cả chồng và các con. Nhiều người vợ trẻ chỉ hưởng hạnh phúc vỏn vẹn trong một ngày. Để góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, Chính quyền Việt Nam đã xúc tiến vận động thành lập một tổ chức, lấy tên gọi là Hội giúp binh sĩ tử nạn.
Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên là Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa, Bình Trị Thiên, ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được mời làm hội trưởng danh dự của Hội giúp binh sĩ tử nạn.
Chiều ngày 28/5/1946, Hội Giúp binh sĩ bị nạn tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát thành phố Hà Nội và Hồ Chủ Tịch đã tới dự.
Chiều ngày 11/7/1946, tại Nhà hát này đã có một buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động “mùa đông chiến sĩ”. Tại đây, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ.
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, số người bị thương và hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sỹ và đồng bào ta gặp muôn vàn khó khăn. Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác thương binh liệt sĩ nhằm đảm bảo đời sống vật chất cũng như tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến.
Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ- Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ.
Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Đây được coi là cuộc mít tinh quan trọng với 2000 người tham gia tại Thái Nguyên. Tại đây, Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hàng năm vào dịp này, Người cũng đều có thư và quà để gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sỹ.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/1954, Đảng và Nhà nước ta càng quan tâm và giải quyết những vấn đề chiến sỹ, gia đình liệt sỹ cũng như công tác thương binh. Từ năm 1955, ngày 27/7 ngày Thương binh được đổi thành ngày Thương binh - Liệt sỹ.
               Nguồn: khoahoc.tv/lich-su-y-nghia-ngay-thuong-binh-liet-si…
 
 
 
  Rounded Rectangle: SỔ TAY NGHIỆP VỤ
 
 
 

Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn số tháng 7 năm 2019, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên các biện pháp phòng tránh tai nạn đuối nước ở trẻ em:
Trong các dịp lễ, tết, nhất là vào kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình, cơ quan, trường học sẽ tổ chức cho các bạn học sinh đi nghỉ mát, tắm biển. Khắp nơi trẻ em cũng sẽ tự rủ nhau đi tắm mát ở sông, suối, ao, hồ... do đó nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước là rất cao. Mỗi khi mùa hè đến, lo lắng về đuối nước luôn thường trực và có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào. Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều vụ trẻ em đuối nước rất thương tâm do sự bất cẩn của người lớn.
Đuối nước không chỉ xảy ra ở sông, suối, ao hồ,... mà còn có thể xảy ra ở ngay tại nhà, nơi làm việc, nhà trường, nhà trẻ,... Vì thế  các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, mọi người cần có hiểu biết cách phòng và kĩ năng xử trí tai nạn đuối nước là rất cần thiết.
* Vì sao đuối nước thường dẫn đến tử vong?
Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động.
- Người ta thống kê thấy khoảng 4/5 trường hợp chết đuối mà trong phổi có nước và 1/5 còn lại chết đuối nhưng phổi không có nước.
- Sở dĩ có tình trạng chết đuối mà trong phổi không có nước là do người không biết bơi bất ngờ bị chìm trong nước, nạn nhân hoảng sợ khiến các phản xạ bị rối loạn làm cơ thể bị chìm, phản xạ co cơ nắp thanh quản và đóng khí quản lại làm nạn nhân không thở được dẫn đến thiếu oxy não và bất tỉnh. Từ chỗ nắp thanh quản bị đóng nên nước cũng không vào phổi được. Đó cũng được gọi là chết đuối khô.
Vì vậy khi gặp trường hợp đuối nước cần xử trí khẩn trương, kiên trì, ngay tại chỗ để giải phóng đường hô hấp.
Nguyên tắc cấp cứu tại chỗ
Nguyên tắc này cần khẩn trương, đúng phương pháp với mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp oxy cho nạn nhân. Do vậy việc làm đầu tiên cần đưa nạn nhân ra khỏi nước:
- Nếu nạn nhân còn tỉnh giãy giụa dưới nước ta cần khẩn trương tìm cách đưa họ lên bờ. Nếu không biết bơi ta phải tìm khúc gỗ, phao… ném xuống cho họ bám vào để lên bờ hoặc chạy ngay đi tìm người lớn đến cứu.
- Tuyệt đối không nhảy xuống nước nếu không biết bơi. Vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh dưới nước (chỉ xuống cứu khi người cứu biết bơi). Nếu không thì gọi người hỗ trợ hoặc dùng thuyền nếu có để ra cứu.
Description: bai-tuyen-truyen-phong-tranh-tai-nan-duoi-nuoc-cach-phong-tranh-duoi-nuoc-cho-tre-em2
Ngay sau khi đưa được nạn nhân vào bờ, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ:
Với trẻ lớn và người lớn:
Description: bai-tuyen-truyen-phong-tranh-tai-nan-duoi-nuoc-cach-phong-tranh-duoi-nuoc-cho-tre-em3
- Đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Nếu bệnh nhân tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải ấn tim ngoài lồng ngực: Dùng hai tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.
- Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 - 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 - 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt.
- Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Với trẻ nhỏ:
- Đặt trẻ nằm ở chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem có còn thở không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động tức là trẻ đã ngưng thở; thổi ngạt miệng qua miệng 2 cái chậm. Nếu sau đó trẻ vẫn chưa thở lại được hoặc còn tím tái và hôn mê thì xem như tim đã ngưng đập, cần ấn tim ngoài lồng ngực ngay. Ấn vào vùng nửa dưới xương ức theo cách như sau:
+ Dùng 2 ngón tay cái (đối với trẻ dưới 1 tuổi) ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú 1 đốt ngón tay (tức khoảng bằng bề ngang một ngón tay).
+ Dùng 1 bàn tay (đối với trẻ từ 1 - 8 tuổi) hoặc 2 bàn tay đặt chồng lên nhau (đối với trẻ hơn 8 tuổi và người lớn) ấn vào phía trên mỏm ức 2 đốt ngón tay. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5/1 (đối với trẻ dưới 8 tuổi) hoặc 15/2 (đối với trẻ trên 8 tuổi).
- Vẫn phải tiếp tục thực hiện các động tác cấp cứu này cho đến khi nạn nhân tự thở lại được hoặc có sự giúp đỡ của nhân viên y tế. Việc cấp cứu này đôi khi phải mất hàng giờ hoặc lâu hơn.
- Nếu sơ cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động giãy giụa, hay nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu. Quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và đắp giữ ấm cho nạn nhân.
- Khi tỉnh lại, nạn nhân sẽ nôn ra nước, nên phải để nạn nhân ở tư thế an toàn, đầu nằm nghiêng, kê gối dưới hai vai, nới rộng quần áo, phòng cho nạn nhân không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn. Chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo và ép tim được 2 tiếng mà không thấy nạn nhân phục hồi.
Những việc cần chú ý trong quá trình cấp cứu đuối nước:
- Không được chậm trễ trong cấp cứu người bị đuối nước, thay vì tìm cách gọi xe cấp cứu, tìm cho được và đầy đủ các phương tiện cấp cứu,... thì phải bằng mọi cách và khả năng hiểu biết cấp cứu nạn nhân ngay.
- Không nên cố tìm cách cho nước trong phổi nạn nhân chảy hết ra ngoài bằng cách xốc nước (vác nạn nhân chạy vòng vòng cho nước chảy ra) vì như thế sẽ bỏ lỡ thời gian vàng cho việc làm hồi sức cấp cứu tim phổi mà chỉ cần chậm trễ 4 phút thôi là não có nguy cơ bị chết! Trong quá trình hồi sức cấp cứu tim phổi, nước trong phổi sẽ tự động thoát ra ngoài. Nếu là nước sông, hồ thì nước sẽ thấm vào hệ tuần hoàn rất nhanh do hiện tượng thẩm thấu (nước sông có nồng độ loãng hơn máu).
- Khi làm xoa bóp tim ngoài lồng ngực, cần chú ý không quá mạnh vì có thể làm gãy xương sườn nạn nhân, nhất là trẻ nhỏ.
Với ngạt nước, sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là những yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến sự sống còn và khả năng bị di chứng não của người bị nạn.
* Để phòng tai nạn đuối nước mọi người cần lưu ý đến những việc sau đây:
Đối với trẻ lớn và người lớn:
- Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không.
- Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền.
- Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.
- Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.
Đối với trẻ nhỏ:
- Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, tán chuyện gẫu, chơi bài,…
- Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
- Nhà khá giả có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào.
- Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi).
Nguồn: BTG biên tập
 
 
 
  Rounded Rectangle: BÀI HÁT THANH NIÊN
 
 

Chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên lời bài hát:
Hành khúc thanh niên tình nguyện
Tác giả: Thế Hiển
 
Chúng ta hát bài ca thanh niên tình nguyện
Chúng ta đến vùng sâu nơi xa mọi miền
Tuổi trẻ có thanh niên, đầy nhiệt huyết trong tim
Bạn cùng tôi hòa mình vào mùa hè xanh
Với khối óc bàn tay hăng say nhiệt tình
Góp công sức dựng xây quê hương của mình
Từ nhịp sống hôm nay là hạnh phúc mai sau
Mùa hè xanh giục giã bước nhanh lên đường

Về đồng bằng phương nam ta đắp đê ngăn cơn lũ tràn
Dậy đàn em học hành dựng cất nhà cho người neo đơn
Ta đi lên Trường Sơn mở con đường lịch sử hào hùng
Ta đi lên vùng cao giục đông bào trồng cây gây rừng


Áo xanh thắm đoàn ta thanh niên tình nguyện 
Những năm tháng nào phai trong ta kỷ niệm
Đời cần có thanh niên đầy nhịp sống trong tim
Mùa hè xanh hát vang bài ca lên đường.
 
  
Rounded Rectangle: GƯƠNG NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT 
 
 
Gương sáng trong công tác phòng - chống HIV/AIDS
 
(HBĐT) - "Cô ấy như người mẹ thứ hai của em, nhờ cô ấy em đã thoát được sự tự kỳ thị với bản thân khi mang trong mình vi rút HIV, em đã được uống thuốc ARV và có được sức khỏe, gia đình hạnh phúc như hôm nay…”- đó là lời tâm sự của bệnh nhân B.T.H về y sỹ Đinh Thị Phong, cán bộ chuyên trách HIV/AIDS huyện Tân Lạc.
Description: http://doanthanhnien.hoabinh.gov.vn/upload/FCK/image/1_THU%20MUC%20ANH/17_6_2019/dt_2932019184_img_20190306_093922.jpg
Y sỹ Đinh Thị Phong, cán bộ chuyên trách HIV/AIDS huyện Tân Lạc tư vấn cho bệnh nhân. 
 
 
Năm 2004, chị Đinh Thị Phong được lãnh đạo giao nhiệm vụ là chuyên trách HIV/AIDS của huyện Tân Lạc. 15 năm tham gia chương trình HIV/AIDS, với sự nhiệt tình, tâm huyết, 9 năm liền, chị đạt chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Năm 2014, chị vinh dự được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác phòng- chống HIV/AIDS. 
 
Chị Phong tâm sự: 15 năm làm chuyên trách HIV/AIDS, bao lần gặp gỡ, tư vấn bệnh nhân HIV là bấy nhiêu hoàn cảnh khác nhau. Khi mới nhận nhiệm vụ tôi cũng lo sợ, nghe nói đến HIV nghĩ nó lây nhiễm ghê lắm! Nhưng đến khi được tập huấn, hiểu biết kiến thức về HIV/AIDS, gần gũi, tiếp xúc, tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân, tôi thấy HIV cũng như các căn bệnh khác. Chỉ khác là bệnh nhân HIV/AIDS khá nhiều người tự kỳ thị với bản thân, họ cũng bị cộng đồng xa lánh. Từ những lý do đó, họ sống khép mình, sợ lộ thân phận dẫn đến không được điều trị kịp thời, nhiều người đã tử vong do không điều trị ARV. 
 
Chị kể, có nhiều hoàn cảnh bệnh nhi HIV rất thương tâm, có cháu bố mẹ đã mất, cháu bị nhiễm HIV ở với ông bà. Do kinh tế khó khăn, không có tiền đi khám và cũng không biết cháu nhiễm HIV, chị đã đến gia đình tư vấn, động viên, mua sữa và cho cháu tiền đi khám bệnh. Hiện, cháu đã được uống ARV, sức khỏe ổn định. Có những gia đình, cả bố, mẹ đều có HIV, dù biết tình trạng của mình nhưng không đi điều trị và có thai mà không chịu uống thuốc ARV. Sau nhiều lần chị kiên trì tư vấn, họ đã đi khám, được uống thuốc ARV và giờ cả 3 người con đều âm tính với HIV. Có những bệnh nhân vừa sử dụng ma túy vừa có HIV, lúc ốm đau không ai thăm hỏi, chị đã đến động viên, chia sẻ, tư vấn, hỗ trợ cách tự chăm sóc bản thân, dần dần bệnh nhân hiểu ra và tự đăng ký điều trị ARV, điều trị methadone..
 
Bác sỹ Bùi Văn Phước, Phó Khoa kiểm soát bệnh tật/HIV, Trưởng cơ sở Methadone -  Trung tâm Y tế huyện Tân Lạc cho biết: Trong công việc, chị Phong nghiêm túc, tận tụy, với đồng nghiệp, bệnh nhân, chị cởi mở, gần gũi. Chị được lãnh đạo đơn vị và đồng nghiệp tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ. Dù ở vị trí nào, chị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là tấm gương sáng cho chúng tôi học tập.
 
Báo Hòa Bình
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
 

Văn bản mới

 Số: 27-HD/ĐTN
Tên: (Hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình rèn luyện đoàn viên giai đoạn 2018 - 2022)

Ngày BH: (30/09/2018)

 Số: 26-HD/ĐTN
Tên: (Hướng dẫn Đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú giai đoạn 2018 - 2022)

Ngày BH: (30/09/2018)

 Số 70 - CV/ĐTN
Tên: (V/v tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên tham gia Hệ tri thức Việt số hóa)

Ngày BH: (07/08/2018)

 Số 18 - KH/ĐTN
Tên: (Kế hoạch Tổ chức các hoạt động “Tuổi trẻ tri ân các anh hùng liệt sỹ” nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2018))

Ngày BH: (02/07/2018)

 Số 56-CV/ĐTN
Tên: (V/v vận động ĐVTN tham gia công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về các biện pháp phòng chống bệnh dại)

Ngày BH: (08/07/2018)

 Hướng dẫn số 17-HD/ĐTN Xây dựng Đoàn cơ sở "3 chủ động" giai đoạn 2018-2022
Tên: (Hướng dẫn xây dựng đòn cơ sở "3 chủ động", giai đoạn 2018-2022)

Ngày BH: (01/07/2018)

 Công văn số 56-CV/ĐTN v/v tham gia Câu lạc bộ "Tuổi trẻ với pháp luật"
Tên: (V/v tham gia Câu lạc bộ "Tuổi trẻ với pháp luật")

Ngày BH: (01/07/2018)

 49 - CV/ĐTN
Tên: (Triển khai cuộc vận động “Mỗi thanh niên một ý tưởng sáng tạo” trong thanh niên Hòa Bình năm 2018.)

Ngày BH: (21/06/2018)

 KH số 08 tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh
Tên: (KH tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh)

Ngày BH: (11/03/2018)

 Thể lệ cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hòa Bình" 2018
Tên: (Thể lệ cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hòa Bình" 2018)

Ngày BH: (28/03/2018)

Music


  • Đang truy cập: 372
  • Khách viếng thăm: 371
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 67936
  • Tháng hiện tại: 2004996
  • Tổng lượt truy cập: 22072408

Liên kết Website