Chiến dịch hè 2023
Chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 12
Banner giữa trang

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN Tháng 9/2019

Đăng lúc: Thứ ba - 24/09/2019 21:45
 
   
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐƯC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 74 NĂM NGÀY QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
(02/9/1945-02/9/2019)
 
Ngày Quốc khánh Việt Nam là ngày lễ chính thức của Việt Nam, diễn ra vào ngày 2 tháng 9 hằng năm, kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba ĐìnhHà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một trong các tiền thân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Ban biên tập xin giới thiệu đến các bạn đoàn viên thanh niên hành trình viết tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ cũng như địa điểm, di tích lịch sử, nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
 
1.Hành trình viết Tuyên ngôc Độc lập của Bác Hồ
Ngày 19-8, Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền Thủ đô đã thuộc về cách mạng. Ngày 23-8, đồng chí Lê Đức Thọ lên đón Bác Hồ từ Việt Bắc về đến thôn Phú Gia, xã Phú Thượng (nay là phường Phú Thượng thuộc quận Tây Hồ). Ngày 25-8 đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh… đã đưa Bác đến ngôi nhà 48 Hàng Ngang. Khi ô tô đưa Người đến không đỗ ở phía mặt tiền ngôi nhà mà dừng ở cổng hậu là số 35 phố Hàng Cân để vào nhà nhằm bảo đảm an toàn bí mật. Nhà 48 Hàng Ngang thuộc chủ sở hữu của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ (sau này thường gọi là bà Bô) – một doanh nhân, một gia đình giàu lòng yêu nước và là cơ sở cách mạng của Hà Nội.
Trước khi đón Bác Hồ đến, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã bàn với chủ nhà chuẩn bị một chỗ ở để đón “Ông Cụ dưới quê lên chơi”. Khi Bác đến, đồng chí Trường Chinh đã giới thiệu với gia đình ông bà Bô: “Hôm nay ông Cụ dưới quê vừa lên đã ghé lại đây”. Sau này bà chủ nhà hồi niệm lại: Cụ lưu lại từ 25-8 đến 1-9. Quả thật trong thời gian này chúng tôi không biết đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là Bác Hồ. Đến ngày 2-9, khi đến dự lễ Quốc khánh, chúng tôi mới biết và thấy tự hào vô cùng.
Tại gian phòng tầng hai này, ngày 26-8, Bác đã nghe các đồng chí Thường vụ Trung ương báo cáo tình hình khởi nghĩa ở Hà Nội và các tỉnh, TP trong cả nước - đem sức ta giải phóng cho ta. Tiếp đó Bác đề xuất với Thường vụ một số việc cấp bách: Mở rộng thành phần Chính phủ lâm thời, thực hiện đoàn kết rộng rãi, mời thêm những nhân sĩ, trí thức yêu nước vào thành viên Chính phủ. Soạn thảo ngay bản Tuyên ngôn độc lập và tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại Hà Nội với sự tham dự của đông đảo nhân dân Thủ đô để Chính phủ cách mạng ra mắt quốc dân và công bố bản Tuyên ngôn độc lập với đồng bào trong nước và nhân dân thế giới. Ngày cử hành cuộc mít tinh dự kiến là 2-9 tại vườn hoa Ba Đình. Ngày 27-8 Hồ Chủ tịch chủ trì cuộc họp với các thành viên Chính phủ lâm thời để chuẩn bị lễ ra mắt quốc dân.
Bác Hồ đã dành trọn 3 ngày từ 28 đến 30-8, tập trung tâm lực, trí tuệ, bản lĩnh của một vị lãnh tụ để soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập trên tầng 2 nhà 48 Hàng Ngang với chiếc máy đánh chữ Người đã từng sử dụng ở căn cứ địa CM Việt Bắc. Với trải nghiệm của quá trình hoạt động cách mạng từ Á sang Âu, từ Đông sang Tây, từ hải ngoại đến trong nước, Người đã hoàn thành bản Tuyên ngôn độc lập.
2. Ngôi nhà 48 Hàng Ngang: Di tích lịch sử cách mạng của đất nước
Ngôi nhà 48 Hàng Ngang - Hà Nội đã gắn liền với sự kiện lịch sử trọng đại nhất của đất nước ngay giữa lòng Thủ đô nghìn năm văn hiến, đầy ắp những di tích lịch sử cách mạng, văn hóa. Theo chỉ đạo của Thành ủy và Bộ Văn hóa – Thể thao - Du lịch, năm 2008 Hà Nội đã triển khai dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi nguyên trạng di tích 48 Hàng Ngang.
Theo dự án, tầng 1 của ngôi nhà - phòng ngoài được tái tạo lại thành nội thất của cửa hàng bán tơ lụa như vốn có từ hơn 60 năm trước. Tầng 2 - nơi làm việc của Bác Hồ và Thường vụ Trung ương được giữ nguyên nội thất với những hiện vật đã có, trong đó đặt ở giữa chiếc bàn chữ nhật dài màu cánh gián, 8 ghế tựa đặt ở hai bên, một ghế lớn ở đầu, đều bọc nỉ xanh, phủ khăn trắng, và một bàn nhỏ đặt máy chữ của Bác Hồ sử dụng. Trên tầng 3 và 4 thiết bị thành các phòng trưng bày giới thiệu về những đóng góp của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ cho cách mạng cùng một phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và trưng bày chuyên đề về học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ.
                                                                                          Nguồn: baomoi.com
            3. 02/9/1945: Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
          Cách mạng tháng tám thành công, Trung ương Đảng phái đồng chí Lê Đức Thọ lên chiến khu đón chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội và nghỉ tại thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, Từ Liêm. Sau đó Người về ở nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội. Tại cuộc họp của chính phủ lâm thời, theo đề nghị của Người một chính phủ thống nhất toàn quốc thể hiện ở chính sách đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ tiến bộ được thành lập.
Buổi trưa ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội, trong cuộc mít tinh của trên 50 vạn nhân dân Hà Nội và vùng lân cận chào mừng chính phủ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với nhân dân Việt Nam và thế giới rằng: Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra đời. Bản tuyên ngôn độc lập khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng. Dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do… Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!...Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Tuyên ngôn độc lập do chủ tịch Hồ Chí Minh viết là sự phát triển của bản yêu cầu mà Người gửi cho hội nghị hòa bình ở Vec-xây năm 1919, là sự phát triển của chương trình Việt Minh mà người soạn thảo năm 1941. Nó là kết tinh những quyền lợi cơ bản và những nguyện vọng tha thiết nhất của dân tộc Việt Nam và nói lên tâm hồn trong sáng, khí phách hào hùng của nhân dân ta. “Bản tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trên những hải đảo xa xôi, trên những máy chém, trên chiến trường. Bản tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam” (Trần Dân Tiên - những mẩu chuyện về đời hoạt động của chủ tịch Hồ Chí Minh).
Ngày độc lập 02/9/1945 là ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam, chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên nhân dân ta làm chủ vận mệnh của mình để thực hiện độc lập, tự do và hạnh phúc.
Từ đó, ngày 02/9 trở thành ngày quốc khánh của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
                                                            Nguồn: www.baotangtonducthang.com
 
'Down Ribbon: THEO DÒNG LỊCH SỬ'
 
 
 
 
  • 02/9/1945: Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
  • 02/9/1969: Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần.
  • 12/9/1930: Xô Viết Nghệ Tĩnh.
  • 20/9/1977: Việt Nam trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc.
  • 23/9/1977: Nam Bộ kháng chiến.
  • 27/9/1940: Khởi nghĩa Bắc Sơn.
  • 30/9/1988: Kỷ niệm ngày mất của đồng chí Trường Chinh. 
 
         12/9/1930: Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là đỉnh cao cao trào cách mạng năm 1930 – 1931 ở nước ta, được mở đầu bằng cuộc biểu tình kỷ niệm ngày quốc tế lãnh đạo 1/5/1930 tại ngã ba Bến Thuỷ, thành phố Vinh của công nhân nhà máy Trường Thi, diêm Bến Thuỷ và nông dân cả huyện Hưng Yên, Nghi Lộc, Thanh Chương. Giặc Pháp và tay sai đã đàn áp dã man những cuộc xuống đường này.
Ngày 30/8/1945, 3.000 nông dân các huyện Nam Đàn vũ trang kéo lên huyện đốt giấy tờ, phá nhà lao. 1/9, 2 vạn công nhân Thanh Chương bao vây huyện đường. Cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra ở Dương Châu, Can Lộc, Anh Sơn, Nghi Lộc và đỉnh cao là cuộc biểu tình ở Hưng Nguyên với sự ra đời của uỷ ban Xô Viết ngày 12/9/1930.
Bài ca “Thanh niên cận vệ” hùng tráng đã cổ cũ các chiến sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh trẻ tuổi vùng lên. Chúng ta là thanh niên cận vệ!Chúng ta là đội cận vệ của ngày mai. Sinh trưởng trong nơi đớn đao, khốn cùng. Một là toàn thắng, hai là hi sinh. Vì công lý mà ta ra đấu tranh…..
Khí thế của cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã nhanh chóng lan rộng trong cả nước. Chỉ trong tháng 9 và tháng 10 năm 1930, cả nước có 362 cuộc đấu tranh. Sự xuất hiện các Xô Viết làm chức năng chính quyền cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo đã phát triển ở nhiều vùng rộng lớn trong 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Ngày 19/2/1931, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong báo cáo gởi lên ban chấp hành Quốc Tế Cộng Sản về cuộc đấu tranh ở Nghệ Tĩnh đã khẳng định: “bom đạn, súng máy, đốt nhà, dồn binh … đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ Tĩnh”. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh có thể xem là cuộc tổng diễn tập đầu tiên để tổng khởi nghĩa tháng tám diễn ra thành công trong cả nước.
 
23/9/1945: Ngày Nam Bộ Kháng chiến
Chỉ 03 tuần lễ sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, ngày 23/9/1945 thực dân Pháp núp dưới bóng quân đội Anh tước vũ khí của quân đội Nhật ở Nam Bộ, âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta lần nữa. 6.000 quân Pháp dựa vào hơn 1 vạn quân Anh đã trắng trợn gây hấn ở thành phố Sài Gòn. Chúng mưu toan chiếm Nam Bộ làm bàn đạp chiếm cả Việt Nam và Đông Dương.
7h sáng ngày 23/9, Xứ uỷ và Uỷ ban hành chính Nam Bộ (sau đổi tên thành Uỷ ban kháng chiến) họp khẩn cấp tại phố Cây Mai (Chợ Lớn) có đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng và tổng bộ Việt Minh tham dự. Hội nghị quyết định phát động nhân dân kiên quyết kháng chiến chống xâm lược. Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ được thành lập, ra lệnh tổng bãi công, bãi thị, bất hợp tác với địch, phong toả địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ sục sôi căm thù, nhất tề đứng dậy, xông ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt mới: Nam Bộ Kháng Chiến.
Chiều 23/9, cả Sài Gòn đình công, không hợp tác với Pháp. Các công sở xí nghiệp, hãng buôn đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Các ụ chiến đấu mọc lên khắp nơi. Ngay những ngày đầu, quân Sài Gòn đã tiêu hao sinh lực địch và phá huỷ một phần cơ sở vật chất của chúng. Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn chấn động cả nước. Nhiều tỉnh Nam Bộ đưa lực lượng đoàn viên, thanh niên về góp sức với Sài Gòn chống quân xâm lược. 
Ban thường vụ Trung ương Đảng họp chủ trương đánh mạnh quân Pháp ở Nam bộ, quyết tâm giành thắng lợi ở chiến trường để tạo điều kiện cho việc đấu tranh với quân Tưởng ở ngoài Bắc. Ngày 27/9/1945, chủ tich Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào miền Nam khẳng định quyết tâm kháng chiến của Đảng, chính phủ và nhân dân ta, chỉ rõ mục tiêu chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Người nêu cao lẽ sống “thà chết tự do hơn sống nô lệ” của nhân dân ta. Đáp lời kêu gọi của Người, xứng đáng với lòng tin cậy và sự cổ vũ của nhân dân cả nước, nhân dân Nam Bộ vùng dậy dũng cảm đánh trả kẻ địch có trang bị hiện đại, làm thất bại âm mưu của địch, tạo điều kiện để ta củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ mới, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc.
Tháng 02/1946, thay mặt chính phủ và đồng bào cả nước, chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”.
                                                           Nguồn: www.baotangtonducthang.com
27/9/1940: Khởi nghĩa Bắc Sơn
Khởi nghĩa Bắc Sơn báo hiệu thời kỳ đấu tranh vũ trang của cách mạng Việt Nam. Nhận thấy sự tan rã của chính quyền thực dân sau khi phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, quân Pháp thất bại và đầu hàng, Đảng bộ Bắc Sơn đã phát động quần chúng nổi dậy cướp chính quyền, tấn công các đồn bốt và các đơn vị lính Pháp đang rút chạy, cướp vũ khí, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.
Lúc bấy giờ, Pháp đã đầu hàng phát xít Đức ở chính quốc, thực dân Pháp ở Đông Dương rất hoang mang dao động. Khi quân Nhật tiến vào Lạng Sơn, chính quyền tay sai Pháp đã tan rã nhanh chóng. Chớp thời cơ đó, đảng bộ địa phương đã phát động khởi nghĩa. 20 giờ ngày 27-9-1940, hơn 600 quân khởi nghĩa, gồm đủ các dân tộc Tày, Dao, Nùng, Kinh đã tấn công đồn Mỏ Nhài (châu lỵ Bắc Sơn), viên tri châu chạy trốn, ngụy quyền tan rã, nhân dân làm chủ châu lỵ và các vùng trong châu. Đội du kích địa phương được thành lập. Sau khi chiếm châu lỵ, Ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ. Các ngày 28, 29-9-1940, quân khởi nghĩa tiếp tục tấn công vào tàn quân Pháp ở đèo Canh Tiêm, Sập Dì. Trước tình hình đó, Pháp, Nhật thỏa hiệp với nhau để tập trung đàn áp cuộc khởi nghĩa. Thực dân Pháp đưa quân lên chiếm lại các đồn và đàn áp dữ dội. Ngay sau khi được tin cuộc khởi nghĩa nghĩa bùng nổ, Xứ Bắc Kỳ đã cử đồng chí Trần Đăng Ninh lên lãnh đạo phong trào và hướng cuộc khởi nghĩa vào mục tiêu xây dựng lực lượng để chiến đấu lâu dài. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, khu căn cứ du kích Bắc Sơn được thành lập trên địa bàn các xã Vũ Lăng, Vũ Lễ, Hưng Vũ, Chiêu Vũ, Bắc Sơn, Hữu Vĩnh, Trấn Yên. Giữa tháng 10-1940, Ban chỉ huy khu căn cứ Bắc Sơn được thành lập và ngày 16-10-1940, cuộc họp tại khu rừng Tân Hương đã quyết định thành lập đơn vị du kích Bắc Sơn đầu tiên do đồng chí Trần Đăng Ninh làm chỉ huy trưởng. Ngày 28-10-1940, quần chúng cách mạng đang tổ chức mít tinh ở Vũ Lăng, chuẩn bị đánh chiếm lại đồn Mỏ Nhài thì bị quân Pháp tấn công. Hội nghị lần thừ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 11-1940) đã quyết định duy trì đội du kích Bắc Sơn làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang và thành lập căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai do Trung ương trực tiếp chỉ đạo. Chiến khu Bắc Sơn- Võ Nhai ra đời, rồi mở rộng ra từ huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) đến huyện Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ ( Thái Nguyên), Sơn Dương (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn), góp phần quan trọng trong việc xây dựng khu giải phóng của Đảng trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Mặc dù bị đàn áp dã man nhưng cuộc khởi khởi nghĩa Bắc Sơn đã đánh dấu sự chuyển hướng của cách mạng Việt Nam từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang, nhờ những kinh nghiệm của cuộc khởi nghĩa đã góp phần tạo ra cuộc vận động cách mạng tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn là thắng lợi đầu tiên của khởi nghĩa vũ trang cách mạng kể từ khi Đảng chuyển hướng chỉ đạo chiến lược trong những năm 1939-1940, thành lập chính quyền nhân dân đầu tiên trong cả nước, hình thành đội du kích Bắc Sơn, tiền thân của đội Cứu quốc quân số 1, tiến tới xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam.
Nguồn: Baotanglichsu
 
     SỔ TAY NGHIỆP VỤ
Trong tài liệu sinh hoạt Chi đoàn tháng 9 năm 2019. Ban Biên tập xin gửi đến các đồng chí: Luật số 53/2005/QH11 của Quốc hội : Luật Thanh niên
 
QUỐC HỘI
__________
Số: 53/2005/QH11
  CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_________________
Hà Nội , Ngày 29 tháng 11 năm 2005
 
LUẬT
THANH NIÊN
 
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Luật này quy định về thanh niên.
 
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Thanh niên
Thanh niên quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ mười sáu tuổi đến ba mươi tuổi.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên; tổ chức thanh niên.
2. Luật này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân Việt Nam (sau đây gọi là cơ quan, tổ chức, cá nhân).
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến thanh niên Việt Nam cũng áp dụng theo quy định của Luật này; trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Quyền và nghĩa vụ của thanh niên
1. Thanh niên có các quyền, nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này.
2. Thanh niên không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp đều được tôn trọng và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
Điều 4. Trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên
1. Thanh niên là tương lai của đất nước, là lực lượng xã hội hùng hậu, có tiềm năng to lớn, xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đào tạo, bồi dưỡng và phát huy thanh niên là trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội.
2. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho thanh niên học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân, ý chí vươn lên phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
3. Cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có trách nhiệm góp phần tích cực vào việc chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của thanh niên.
Điều 5. Quản lý nhà nước về công tác thanh niên
1. Nội dung quản lý nhà nước về công tác thanh niên bao gồm:
a) Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách, chương trình phát triển thanh niên và công tác thanh niên;
b) Đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh niên;
c) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên;
d) Quản lý hoạt động hợp tác quốc tế về công tác thanh niên.
2. Trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác thanh niên được quy định như sau:
a) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thanh niên;
b) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh niên theo sự phân công của Chính phủ;
c) Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh niên ở địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ.
Điều 6. Uỷ ban quốc gia về thanh niên Việt Nam
Uỷ ban quốc gia về thanh niên Việt Nam là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên. Tổ chức, hoạt động của Uỷ ban quốc gia về thanh niên Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Điều 7. Hợp tác quốc tế về công tác thanh niên
1. Hợp tác quốc tế về công tác thanh niên với các nước, tổ chức quốc tế trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, phù hợp với pháp luật mỗi nước và thông lệ quốc tế.
2. Nội dung hợp tác quốc tế về công tác thanh niên bao gồm:
a) Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về công tác thanh niên;
b) Tham gia các tổ chức quốc tế, ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế về công tác thanh niên;
c) Giao lưu thanh niên; trao đổi thông tin, kinh nghiệm về công tác thanh niên.
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Nghiêm cấm thanh niên thực hiện các hành vi sau đây:
a) Vận chuyển, mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý;
b) Hoạt động mại dâm, đánh bạc, tham gia các tệ nạn xã hội khác;
c) Mua, bán, trao đổi, tàng trữ, sử dụng văn hoá phẩm có nội dung độc hại;
d) Gây rối trật tự công cộng.
2. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc thanh niên thực hiện các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
 
Chương II
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA THANH NIÊN
Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong học tập
1. Được học tập và bình đẳng về cơ hội học tập.
2. Tích cực học tập hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục và vươn lên học tập ở trình độ cao hơn; thường xuyên học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp; tham gia xây dựng môi trường văn hoá học đường; trung thực trong học tập.
3. Xung kích tham gia các chương trình phát triển giáo dục và đào tạo, xây dựng xã hội học tập.
Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong lao động
1. Lao động để lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng đất nước.
2. Chủ động tiếp cận thông tin thị trường lao động; lựa chọn việc làm và nơi làm việc phù hợp với khả năng của bản thân và nhu cầu của xã hội.
3. Rèn luyện tác phong công nghiệp, năng lực quản lý, kinh doanh, tuân thủ kỷ luật lao động; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; nâng cao trình độ nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ.
4. Xung kích thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong bảo vệ Tổ quốc
1. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của thanh niên.
2. Được huấn luyện chương trình giáo dục quốc phòng; thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia các lực lượng vũ trang theo quy định của pháp luật.
3. Tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giữ gìn bí mật quốc gia, xung kích đấu tranh chống mọi hành vi xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ tài nguyên, môi trường
1. Được nghiên cứu khoa học và công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
2. Trung thực và có tinh thần hợp tác trong nghiên cứu khoa học và công nghệ.
3. Tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên; đấu tranh chống các hành vi huỷ hoại tài nguyên, môi trường.
Điều 13. Quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí
1. Được tham gia các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí lành mạnh.
2. Thường xuyên rèn luyện đạo đức, tác phong, hành vi ứng xử văn hoá; thực hiện nếp sống văn minh.
3. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ di sản văn hoá; tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hoá cộng đồng.
Điều 14. Quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong bảo vệ sức khoẻ, hoạt động thể dục, thể thao
1. Được bảo vệ, chăm sóc, hướng dẫn nâng cao sức khoẻ, kỹ năng sống lành mạnh, phòng ngừa bệnh tật.
2. Được chăm lo phát triển thể chất; tích cực tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, rèn luyện thân thể.
3. Phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống ma tuý và các tệ nạn xã hội khác.
Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong hôn nhân và gia đình
1. Được giáo dục kiến thức về hôn nhân và gia đình, thực hiện hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, xây dựng gia đình hạnh phúc.
2. Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; kính trọng ông bà, cha mẹ và người lớn tuổi; chăm sóc, giáo dục con, em trong gia đình.
3. Gương mẫu thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình, về dân số và kế hoạch hoá gia đình.
Điều 16. Quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong quản lý nhà nước và xã hội
1. Nâng cao ý thức công dân, chấp hành pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
2. Được ứng cử, đề cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật; được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với cơ quan, tổ chức về những vấn đề mà mình quan tâm; tham gia góp ý xây dựng các chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên và các chính sách, pháp luật khác.
3. Tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ NƯỚC, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI 
ĐỐI VỚI THANH NIÊN
Điều 17. Trong học tập và hoạt động khoa học, công nghệ
1. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho thanh niên hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục, được học nghề, có cơ hội vươn lên học tập ở trình độ cao hơn; miễn, giảm học phí, cấp học bổng, cho vay tín dụng để thanh niên học tập; cấp sách giáo khoa, hỗ trợ về đời sống cho thanh niên của hộ nghèo hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục; tạo điều kiện cho thanh niên tham gia hoạt động khoa học và công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, hỗ trợ thực hiện các ý tưởng sáng tạo trong hoạt động khoa học và công nghệ; khuyến khích sự đóng góp của tổ chức, cá nhân giúp đỡ thanh niên trong học tập và nghiên cứu khoa học.
2. Nhà trường có trách nhiệm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện về đức, trí, thể, mỹ; giáo dục hướng nghiệp, nâng cao năng lực tự học, kỹ năng thực hành, phương pháp tư duy khoa học cho thanh niên.
3. Gia đình có trách nhiệm chăm lo cho thanh niên học tập, hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục, phát triển tài năng; phối hợp với nhà trường giáo dục thái độ học tập đúng đắn, rèn luyện nền nếp học tập và định hướng nghề nghiệp cho thanh niên.
Điều 18. Trong lao động
1. Nhà nước có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân giải quyết việc làm cho thanh niên; ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai để phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu đa dạng về học nghề cho thanh niên; phát triển hệ thống các cơ sở dịch vụ tư vấn giúp thanh niên tiếp cận thị trường lao động; ưu tiên dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; thanh niên của hộ nghèo được vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, quỹ xoá đói, giảm nghèo, vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tự tạo việc làm.
2. Nhà nước có cơ chế, chính sách giao cho tổ chức thanh niên huy động thanh niên thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các chương trình, dự án khác để thanh niên có điều kiện phấn đấu, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp.
3. Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai để khuyến khích các doanh nghiệp tạo chỗ ở cho lao động trẻ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây nhà cho thuê, bán cho thanh niên theo phương thức trả dần với thời hạn và giá cả hợp lý ở những nơi tập trung đông lao động trẻ.
4. Gia đình có trách nhiệm giáo dục ý thức lao động, tôn trọng sự lựa chọn nghề nghiệp, việc làm của thanh niên; tạo điều kiện cho thanh niên có việc làm.
Điều 19. Trong bảo vệ Tổ quốc
1. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho thanh niên được giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, truyền thống yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi chức năng của mình và gia đình có trách nhiệm động viên, giáo dục và tạo điều kiện cho thanh niên hoàn thành chương trình huấn luyện quân sự phổ thông, làm tròn nghĩa vụ quân sự, quân dự bị động viên và tham gia lực lượng dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật.
Điều 20. Trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí
1. Nhà nước có chính sách phát triển và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần của thanh niên; hỗ trợ thanh niên trong hoạt động sáng tạo văn hoá, nghệ thuật; tạo điều kiện cho thanh niên giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.
2. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm xây dựng cơ sở hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí cho thanh niên.
Không được sử dụng các cơ sở hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí dành cho thanh niên vào mục đích khác làm ảnh hưởng đến lợi ích của thanh niên.
3. Gia đình có trách nhiệm giáo dục nhân cách, xây dựng lối sống văn hoá, hướng dẫn phòng, chống tệ nạn xã hội cho thanh niên.
Điều 21. Trong bảo vệ sức khoẻ và hoạt động thể dục, thể thao
1. Nhà nước có chính sách đầu tư và khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng các cơ sở y tế, cơ sở hoạt động thể dục, thể thao; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho thanh niên, tổ chức tư vấn cho thanh niên về dinh dưỡng, sức khoẻ tinh thần, sức khoẻ sinh sản, kỹ năng sống, phòng, chống ma tuý, HIV/AIDS, phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác.
2. Gia đình có trách nhiệm chăm sóc nâng cao sức khoẻ, phát triển thể chất cho thanh niên, khuyến khích thanh niên luyện tập thể dục, thể thao, thực hiện nếp sống vệ sinh, lành mạnh.
3. Các tổ chức thanh niên có trách nhiệm vận động thanh niên không nghiện rượu, không say rượu, không hút thuốc lá.
Điều 22. Trong hôn nhân và gia đình
1. Gia đình có trách nhiệm tôn trọng quyền của thanh niên trong hôn nhân và gia đình; giáo dục tình bạn, tình yêu và các kỹ năng cần thiết để thanh niên tổ chức cuộc sống gia đình.
2. Nhà nước có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các hoạt động tư vấn về tình yêu, hôn nhân, gia đình, thực hiện kế hoạch hoá gia đình cho thanh niên.
3. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức khác của thanh niên phối hợp với nhà trường, gia đình tuyên truyền, vận động thanh niên thực hiện hôn nhân tiến bộ, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Điều 23. Trong tham gia quản lý nhà nước và xã hội
1. Nhà nước có chính sách quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng thanh niên nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo trẻ; tạo điều kiện cho thanh niên tham gia quản lý nhà nước và xã hội.
2. Các cơ quan, tổ chức trước khi quyết định những chủ trương, chính sách liên quan đến thanh niên có trách nhiệm lấy ý kiến của thanh niên hoặc tổ chức thanh niên.
3. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức khác của thanh niên có trách nhiệm nghiên cứu nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên để kiến nghị với các cơ quan nhà nước giải quyết, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển.
Điều 24. Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên dân tộc thiểu số
1. Nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học; thực hiện chính sách cử tuyển bảo đảm đúng đối tượng và yêu cầu về ngành, nghề cần đào tạo; miễn, giảm học phí, cấp sách giáo khoa và các chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho thanh niên dân tộc thiểu số ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cơ hội học tập, tiếp cận thông tin.
2. Khuyến khích và hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, đấu tranh chống các hủ tục, tập quán lạc hậu.
3. Ưu tiên dạy nghề, giải quyết việc làm và cho vay vốn phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, phát huy tính năng động của thanh niên dân tộc thiểu số trong lao động sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.
4. Đào tạo, bồi dưỡng thanh niên ưu tú người dân tộc thiểu số để tạo nguồn cán bộ quản lý, lãnh đạo.
Điều 25. Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên xung phong
1. Nhà nước có cơ chế, chính sách phát huy vai trò xung kích của lực lượng thanh niên xung phong thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng, lĩnh vực khó khăn, các nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước; bảo đảm các điều kiện để lực lượng thanh niên xung phong hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
2. Nhà nước thực hiện các chính sách sau đây đối với cán bộ, đội viên thanh niên xung phong:
a) Miễn thực hiện nghĩa vụ lao động công ích; tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình khi đang làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
b) Được công nhận là liệt sĩ, hưởng chính sách như thương binh trong trường hợp đang làm nhiệm vụ mà hy sinh hoặc bị thương theo quy định của pháp luật;
c) Tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, bảo vệ sức khoẻ; ưu tiên giải quyết việc làm sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 26. Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên có tài năng
1. Nhà nước có cơ chế, chính sách để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng những thanh niên có năng khiếu, có thành tích xuất sắc trong học tập, hoạt động khoa học và công nghệ, lao động, sản xuất, kinh doanh, quản lý, an ninh, quốc phòng, văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao để trở thành những người tài năng.
2. Tôn vinh và tạo điều kiện cho thanh niên tài năng phát triển và làm việc để phát huy khả năng đóng góp cho đất nước.
Điều 27. Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên khuyết tật, tàn tật, thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cai nghiện ma tuý, sau cải tạo
1. Có chính sách cho thanh niên khuyết tật, thanh niên tàn tật được học văn hoá, học nghề, giải quyết việc làm phù hợp, được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ; được miễn, giảm học phí ở các cơ sở giáo dục công lập; được miễn, giảm viện phí khi khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế của Nhà nước; tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động văn hoá, thể thao.
2. Thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cai nghiện ma tuý, sau cải tạo được tạo điều kiện chữa bệnh, chăm sóc, phục hồi sức khoẻ, học văn hoá, học nghề, giải quyết việc làm, xoá bỏ mặc cảm vươn lên hoà nhập cộng đồng.
Thanh niên nhiễm HIV/AIDS không có nơi nương tựa hoặc gia đình không có điều kiện chăm sóc được tổ chức chăm sóc tại các cơ sở do Nhà nước, tổ chức, cá nhân thành lập theo quy định của pháp luật.
3. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân tham gia chăm sóc, giúp đỡ thanh niên khuyết tật, thanh niên tàn tật, thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cai nghiện ma tuý, sau cải tạo hoà nhập cộng đồng.
 
CHƯƠNG IV
TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ NƯỚC, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI 
TRONG VIỆC BẢO VỆ, BỒI DƯỠNG THANH NIÊN TỪ 
ĐỦ MƯỜI SÁU TUỔI ĐẾN DƯỚI MƯỜI TÁM TUỔI
Điều 28. Trách nhiệm của Nhà nước
1. Có chính sách bảo đảm cho thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục; tạo điều kiện học nghề, lựa chọn việc làm, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao phù hợp với khả năng và lứa tuổi; miễn, giảm phí tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng.
2. Bảo vệ thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi không bị xâm hại tình dục và không bị lạm dụng sức lao động.
3. Bảo đảm việc thực hiện các chính sách về hình sự, hành chính, dân sự đối với thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho những thanh niên này phát triển lành mạnh.
Điều 29. Trách nhiệm của gia đình
1. Chăm sóc, bảo vệ, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục, học nghề, định hướng nghề nghiệp, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao phù hợp với lứa tuổi.
2. Cha mẹ và các thành viên lớn tuổi khác trong gia đình có trách nhiệm xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện nhân cách của thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi.
3. Có trách nhiệm quản lý, giáo dục thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi không tự ý bỏ học, bỏ nhà, sống lang thang; không hút thuốc lá, uống rượu và đồ uống có nồng độ cồn từ 14% trở lên; phòng, chống tệ nạn xã hội và không vi phạm pháp luật.
Điều 30. Trách nhiệm của nhà trường
1. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh tạo điều kiện cho thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi say mê học tập, ham hiểu biết, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống.
2. Nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục thể chất và thẩm mỹ; hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ, sức khoẻ sinh sản, tình bạn, tình yêu, kỹ năng phòng chống các bệnh học đường và tệ nạn xã hội cho thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi.
3. Phối hợp với cơ quan, tổ chức, gia đình tạo điều kiện cho học sinh tham gia hoạt động văn hoá, thể thao, vui chơi, giải trí và các hoạt động ngoại khoá khác.
Điều 31. Áp dụng Công ước quốc tế về quyền trẻ em đối với thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi
Nhà nước thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn áp dụng đối với thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
 
CHƯƠNG V
TỔ CHỨC THANH NIÊN

Điều 32. Tổ chức thanh niên
1. Tổ chức thanh niên là tổ chức tự nguyện của thanh niên nhằm đoàn kết, tập hợp thanh niên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên; phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Tổ chức thanh niên bao gồm Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam và các tổ chức khác của thanh niên được tổ chức và hoạt động theo điều lệ của tổ chức và trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật.
Điều 33. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam, giữ vai trò nòng cốt trong phong trào thanh niên; tổ chức, hướng dẫn hoạt động của thiếu niên, nhi đồng, phụ trách Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.
Điều 34. Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam
Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên và các tổ chức thanh niên, nhằm đoàn kết tập hợp mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên.
 
CHƯƠNG VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 35. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2006.
Điều 36. Hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này./.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
(Đã ký)
Nguyễn Văn An
                                              
CHÀO MỪNG NĂM HỌC MỚI
Trong không khí hân hoan chào đón năm học mới 2018 - 2019, chúng tôi xin gửi tới các em học sinh, các bạn đoàn viên thanh niên và cán bộ Đoàn các cấp Bức thư Bác Hồ gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập năm 1945:
“Các em học sinh,
Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam. Trước đây cha anh các em, và mới năm ngoái cả các em nữa, đã phải chịu nhận một nền học vấn nô lệ, nghĩa là nó chỉ đào tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho một bọn thực dân người Pháp. Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em.
Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hy sinh của biết bao nhiêu đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao? Các em phải làm thế nào để đền bù lại công lao của người khác đã không tiếc thân và tiếc của để chiếm lại nền độc lập cho nước nhà.
Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.
Ðối riêng với các em lớn, tôi khuyên thêm một điều này: chúng ta đã đánh đuổi bọn thực dân, chúng ta đã giành được độc lập. Nhưng giặc Pháp còn lăm le quay lại. Chúng ỷ vào kẻ khác mạnh hơn mà gây sự với ta. Tất nhiên chúng sẽ bị bại, vì tất cả quốc dân ta đoàn kết chặt chẽ và một lòng chiến đấu cho giang sơn Tổ quốc. Phải sẵn sàng mà chống quân giặc cướp nước, đấy là bổn phận của mỗi công dân. Các em lớn chưa hẳn đến tuổi phải gánh công việc nặng nhọc ấy, nhưng các em cũng nên, ngoài giờ học ở trường, tham gia vào các Hội cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước.
Tôi đã thành thực khuyên nhủ các em. Mong rằng những lời của tôi được các em luôn luôn ghi nhớ.
Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp.
Chào các em thân yêu”
HỒ CHÍ MINH (Tháng 9-1945)   
MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN THANH NIÊN
Gương thanh niên phát triển kinh tế huyện Lạc Thuỷ 
Dám nghĩ, dám làm, anh Vũ Kim Trung (SN 1984), Phó Bí thư chi đoàn thôn Đồng danh, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong số những thanh niên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương và còn là người cán bộ đoàn gương mẫu luôn đi đầu trong các phong trào của công tác Đoàn. Sau nhiều nghề đã trải qua anh Trung còn là thợ cơ khí nhiều năm đi làm công trình chuồng trại cho bà con chăn nuôi gia súc, gia cầm và thực tế gia đình anh cũng chăn nuôi gà. Khi nhận thấy bà con gặp nhiều khó khăn và vất vả trong chăn nuôi gia cầm nhất là khâu cho ăn và cho uống nước. Cũng từ đó anh đã có ý tưởng từ đầu năm 2013 và đến cuối năm 2013 thì a đã bắt tay vào làm với những đồng vốn vạy mượn và tích góp bao lâu nay anh mua trang thiết bị dụng cụ, máy móc để phục vụ các công việc chế tạo sản phẩm máng ăn máng uống hiện nay. Những ngày đầu làm và sau nhiều lần thử nghiệp thất bại, gặp nhiều khó khăn. Có những sản phẩm sau khi thử nghiệm phải bỏ làm phế liệu, rồi đồng vốn cũng dần cạn kiệt vì nguồn thu không đảm bảo…
Nhưng với quyết tâm không từ bỏ anh tiếp tục nghiên cứu thì đến tháng 4 năm 2014 anh Trung đã sáng chế cái tiến triệt để các phần lỗi không phù hợp để đưa ra thị trường máng ăn và máng uống tự động như bây giờ. Sau khi sản xuất cho nhà dùng và bán cho bà con nhân dân trong huyện. Tiếng lành đồn xa và cũng là sự linh động trong việc tìm thị trường cho sản phẩm của mình. Hiện tại sản phẩm của anh đang đưa ra thị trường với các tỉnh lân cận đang phát triển mạnh trong việc chăn nuôi gia cầm. Không những thế anh còn giải quyết công ăn việc làm cho 04 nhân công với mức lương trên 4 triệu/tháng. Từ tháng 5/2014 đến 2018 anh bán được 600 bộ sản phẩm. Từ 2018 đến nay bán được 700 bộ sản phẩm và sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Anh Trung cho hay “Trước đây bà con chăn nuôi 1 vạn gia cầm thì cần 02 nhân công làm việc 8 tiếng trên ngày. Nhưng sau khi bà con sử dụng máng ăn tự động của thì chỉ cần 1 nhân công và thời gian làm việc rút xuống chỉ còn 2 tiếng trên ngày. Như vậy bà con đã tiết kiệm và bỏ túi 14 tiếng làm việc còn lại của 2 nhân công. Còn điểm nữa là khi thức ăn cho gia cầm đổ vào mang thì sẽ được đậy kín trong thùng chưa và chỉ chay ra phần trượt nên gia cầm chỉ ăn mà không bới được, không làm bẩn thức ăn, không làm rơi vãi hao hụt thức ăn và máng ăn còn tránh được mưa nắng. Khi gia cầm ăn sạch sẽ tránh được dịch bệnh nâng cao năng suất chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con”. Hay “Nuôi 1 vạn gia cầm chỉ cần 20 bộ sản phẩm chi phí hết khoảng 34.000.000đ. Nhưng sản phẩm còn niên hạn sử dụng bền và dài lâu (sau thử nghiệm 5 năm sử dụng thì hiện tại sản vẩn chưa hư hỏng). Trong 5 năm có thể nuôi được 10 đến 12 lứa gà. Vậy chia ra bà con chỉ bỏ 3.400.000đ cho 1 vạn con/1 lứa, sử dụng được rất nhiều năm rất hợp lý và tiết kiệm so với máng ăn nhựa trên thị trường hiện nay”. Giúp cho bà con chăn nuôi giải phóng nhân công, giải phóng sức lao đông trong khâu chăm sóc gia cầm. Tiết kiệm thức ăn, thuốc bệnh, tiết kiệm được tiền đầu tư mua dụng cụ chăn nuôi trong nhiều năm.
Với ý tưởng và sản phẩm của anh đã được kênh truyền hình VTV2, VTC16 đưa tin trong chương trình Sao thần nông hay Bạn với nhà nông. Trong thời gian qua anh dự thi Ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp tỉnh Hòa Bình và anh đã đạt giải ba trong cuộc thi.
Có thể khẳng định với sự kiên trì, quyết tâm, không ngại gian khổ anh Trung đã bước đầu gặt hái được những kết quả tốt đẹp trong quá trình phát triển kinh tế, sản xuất tại mảnh đất hương. Qua đó, khẳng định được tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên của tuổi trẻ hôm nay.

 
7 ĐIỀU HỌC MÃI KHÔNG THỪA DÀNH CHO THANH NIÊN
(CTG) Trải qua nhiều dự án- có thất bại, có đạt được những bước tiến- tôi góp nhặt vài kinh nghiệm sống cho bản thân và tôi nghĩ nó sẽ có ích cho người trẻ.
1. Quan sát
Kỹ năng quan sát là điều đầu tiên chúng ta cần phải luyện tập. Ở đây tôi muốn nói đến quan sát bằng mắt, không phải quan sát bằng óc hay bằng cảm tính.
Khi tham gia một buổi networking, bạn có biết ai là người quan trọng để tiếp cận không?
Bạn muốn mở một nhà hàng? Khi vào một quán phở mà gặp rác dưới chân, nhân viên phục vụ thờ ơ, bàn chưa được lau sạch- bạn có bực không? Nếu không khó chịu về điều đó thì liệu nhà hàng của bạn có khá hơn không?
Khi chịu khó quan sát, bạn sẽ thấy được rất nhiều việc cần làm khi khởi nghiệp.
2. Tự kỷ luật bản thân
Khi tự khởi nghiệp, không ai giám sát thời gian làm việc bạn. Chính vì vậy bạn cần tự đặt ra thời gian biểu cho mình và có những giải pháp buộc mình phải tuân thủ kỷ luật, tránh tình trạng hôm nay mệt thì nghỉ, mai chán thì ngủ nướng.
Khi làm chủ, bạn không phải chỉ làm cho bản thân mà còn làm vì các cộng sự của mình. Khi là sếp, bạn phải làm gương cho nhân viên. Đặc biệt khi khởi nghiệp, bạn là người phải giải quyết tất cả những vấn đề phát sinh trong giai đoạn đầu, nếu không có kỷ luật làm việc, hệ thống của bạn sẽ khó lòng “chạy”.
Sinh hoạt và làm việc có kỷ luật còn đảm bảo cho bạn có một thể chất tốt, một trí óc linh hoạt. Một cơ thể hiệu ốm yếu, một tinh thần mệt mỏi không thể nào cho năng suất tốt được. Hãy dành ra mỗi ngày 30 phút để tập thể dục để có một cơ thể khỏe mạnh.
Tự đặt ra và thực hiện được kỷ luật bản thân như thế chúng ta mới có đủ nghị lực để tiếp nhận và giải quyết những khó khăn trong kinh doanh.
3. Làm quen với việc bị từ chối
Khi đầu tư vào một dự án, hoặc bắt đầu khởi nghiệp, chuyện bị từ chối có thể đến với bạn bất cứ lúc nào. Khi bắt đầu đi bán hàng, tôi đã bị từ chối ít nhất 30 lần trước khi có khách hàng đầu tiên. Bạn phải xem chuyện bị khách hàng từ chối là chuyện... bình thường. Việc cần làm là mỗi khi bị từ chối, chúng ta phải tìm hiểu vì sao mình bị từ chối để không lặp lại điều này trong lần tiếp cận khách hàng tiếp theo.
Để có thể trở thành một doanh nhân, bạn cũng phải xác định sẽ luôn đối mặt với rất nhiều tin xấu, nó có thể đến từ mọi phía: nhà đầu tư, nhân viên, khách hàng... Nếu để cảm xúc chi phối, bạn sẽ không những tốn thời gian, không giải quyết được việc, mà còn không học được bất cứ bài học kinh nghiệm nào.
4. Thái độ phù hợp
Trong giới trẻ hiện nay có hiện tượng chê bai những người giỏi hơn mình; xem thường trí tuệ, tài năng của người khác; vào hùa “dìm hàng” một người thậm chí mình chưa gặp bao giờ chỉ vì ganh với họ. Bạn sẽ không thể tiến bộ được nếu thuộc típ người này.
Khi đón nhận sự kiện xảy đến với mình bằng thái độ tích cực, bạn sẽ học được những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt và không đáng quan tâm nhưng lại cực kỳ đắt giá.
Khiêm tốn là một loại dưỡng chất tốt để nuôi dưỡng tâm hồn khỏe mạnh. Khiêm tốn giúp người ta chống lại cám dỗ vật chất, thói háo danh, thói khoe mẽ, khoác lác vốn đang là một “căn bệnh ung thư” của người Việt.
5. Thông thạo ít nhất một ngoại ngữ
Thế giới càng lúc càng phẳng, vì vậy nếu bạn không biết ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, thì cơ hội nghề nghiệp của bạn sẽ bị hạn chế.
Học thêm một ngoại ngữ giống như tập thể dục. Để có được cơ bắp, chúng ta phải luyện tập hằng ngày. Khi bạn học tiếng Anh, mỗi ngày nên dành tối thiểu 5 phút để rèn luyện, biến nó thành công cụ để phát triển nghề nghiệp.
Người sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo sẽ tự tin hơn. Theo một khảo sát, một người biết tiếng Anh có thu nhập nhiều hơn 30% so với người cùng vị trí không biết tiếng Anh.
6. Đọc sách hằng ngày
Lượng đọc trung bình của người Việt là khoảng một quyển sách mỗi năm, theo ông Lê Hoàng- Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chia sẻ tại Đường sách TP.HCM. Một người Việt Nam chi 40.000 đồng mỗi năm để mua sách, trong khi một người Trung Quốc chi 200.000, còn ở các nước phát triển thì bình quân mỗi người chi 4 triệu đồng mua sách hằng năm.
Đọc sách là cách chúng ta thu lượm được kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và trải nghiệm từ những người đi trước một cách miễn phí. Đọc sách nhiều sẽ mang lại vốn hiểu biết sâu rộng phục vụ rất tốt cho nghề nghiệp và đời sống của chúng ta, giúp tư duy, nhận thức của bạn ngày càng sâu sắc hơn, trưởng thành hơn. Điều đó sẽ giúp chúng ta tự tin hơn vào bản thân trong quá trình giao tiếp, chủ động ứng xử, giải quyết những tình huống xảy ra trong cuộc sống.
7. Giữ lời hứa
Người trẻ nhất thiết phải bỏ ngay tình trạng “giờ dây thun”. Hãy luôn cố gắng đến sớm 15 phút trong tất cả mọi cuộc họp hoặc gặp gỡ, trừ những trường hợp bất khả kháng.
Một khi đã hứa với ai điều gì, bạn nên tập trung làm thật tốt để có thể thực hiện lời hứa mình một cách tốt nhất. Tôi từng hứa và giúp một bác Việt kiều Pháp xây dựng đội ngũ và giấy tờ tại Việt Nam trong giai đoạn đầu. Tôi đã làm hết sức có thể mà không mong đợi bác đó sẽ hỗ trợ gì cả. Nhưng sau đó, chính nhờ bác mà tôi được gặp được nhiều đối tác lớn.
Chữ tín là điều chúng ta cần luôn luôn giữ.
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
 

Văn bản mới

 Số: 27-HD/ĐTN
Tên: (Hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình rèn luyện đoàn viên giai đoạn 2018 - 2022)

Ngày BH: (30/09/2018)

 Số: 26-HD/ĐTN
Tên: (Hướng dẫn Đoàn viên tham gia hoạt động Đoàn tại nơi cư trú giai đoạn 2018 - 2022)

Ngày BH: (30/09/2018)

 Số 70 - CV/ĐTN
Tên: (V/v tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên tham gia Hệ tri thức Việt số hóa)

Ngày BH: (07/08/2018)

 Số 18 - KH/ĐTN
Tên: (Kế hoạch Tổ chức các hoạt động “Tuổi trẻ tri ân các anh hùng liệt sỹ” nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2018))

Ngày BH: (02/07/2018)

 Số 56-CV/ĐTN
Tên: (V/v vận động ĐVTN tham gia công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về các biện pháp phòng chống bệnh dại)

Ngày BH: (08/07/2018)

 Hướng dẫn số 17-HD/ĐTN Xây dựng Đoàn cơ sở "3 chủ động" giai đoạn 2018-2022
Tên: (Hướng dẫn xây dựng đòn cơ sở "3 chủ động", giai đoạn 2018-2022)

Ngày BH: (01/07/2018)

 Công văn số 56-CV/ĐTN v/v tham gia Câu lạc bộ "Tuổi trẻ với pháp luật"
Tên: (V/v tham gia Câu lạc bộ "Tuổi trẻ với pháp luật")

Ngày BH: (01/07/2018)

 49 - CV/ĐTN
Tên: (Triển khai cuộc vận động “Mỗi thanh niên một ý tưởng sáng tạo” trong thanh niên Hòa Bình năm 2018.)

Ngày BH: (21/06/2018)

 KH số 08 tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh
Tên: (KH tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh)

Ngày BH: (11/03/2018)

 Thể lệ cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hòa Bình" 2018
Tên: (Thể lệ cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hòa Bình" 2018)

Ngày BH: (28/03/2018)

Music


  • Đang truy cập: 432
  • Khách viếng thăm: 347
  • Máy chủ tìm kiếm: 85
  • Hôm nay: 62239
  • Tháng hiện tại: 1999299
  • Tổng lượt truy cập: 22066711

Liên kết Website